Chuyện xưa kể rằng: Năm nào cũng thế, cứ đúng giờ cúng lễ giao thừa là ông đồ làng nọ đem hai câu đối đỏ treo ngoài ngõ. Tết năm nọ ông bị kẻ trộm lấy mất câu đối ngay trong đêm giao thừa.
Ông chưa hiểu tên kẻ cắp đặc biệt này muốn điều gì, tiền của không lấy lại đi lấy hai miếng giấy hồng đơn người ta chỉ treo ba ngày Tết rồi cũng đốt thành tro thôi. Tết năm kế cũng vào giờ giao thừa ông lại đem một cặp đối treo ngoài ngõ thử xem kẻ cắp còn đến lấy nữa không? Và… sáng mùng một ông dậy thật sớm ra xem, may quá nó vẫn còn nguyên. Ông chợt mỉm cười vì hiểu ra một điều gì đó, ông lấy bút nghiên viết tiếp phần còn lại vì câu này ông mới viết có một nửa trước: Phước vô trùng chí…/Họa bất đơn hành….
Câu đối đầy đủ như sau: Phước vô trùng chí, kim triêu chí/Họa bất đơn hành, sạ nhật hành (Phước không đến lần nữa, nhưng đến đêm qua rồi/Họa chẳng đi một mình, nhưng đi sáng nay rồi). Người du xuân qua lại trầm trồ khen một câu đối Tết rất hay, trong số đó có anh chàng ăn cắp câu đối, hắn ta đang đọc và thầm phục tài năng ứng đối của ông: “Thì ra câu đối Tết này, đêm qua ông ấy mới viết có một nửa toàn là điềm gở. Mình đâu có ngờ sáng nay ông ấy thêm vào thành một câu đầy đủ lại hay như thế. Nhưng cũng không sao!”. Hắn thích quá, lẩm nhẩm nhiều lần cho thuộc, có lẽ hắn sẽ thuê một ông đồ khác viết câu này để treo trong nhà hắn.
Câu chuyện kể cũng lạ, ai đời hết thứ để ăn cắp lại đi ăn cắp câu đối Tết. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì ai đến xin chữ ông cũng cho, nhưng câu đối Tết đặc biệt để dành treo ngoài ngõ thì đời nào ông cho. Chỉ có một cách là ăn cắp thôi. Anh kẻ cắp thông thái ấy làm một việc không tốt lắm, nhưng không sao; ông đồ có hơi buồn một chút rồi ông sẽ viết lại tờ khác, còn anh thì được hưởng lợi. Câu đối Tết như một nguồn năng lượng lạc quan, giúp cho anh có thêm niềm tin bước sang năm mới sẽ gặp nhiều điều tốt lành (nói thông thái là vì trước khi lấy cắp anh phải cẩn thận đọc xem câu đối Tết ấy có gì đặc biệt không đã). Cách đối phó của ông đồ đã làm cho anh ta trở nên lương thiện.
Phong tục ăn Tết có từ xa xưa, cứ đến Tết là chuẩn bị các thứ nào là thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Câu đối như một món ăn tinh thần, nhà nào cũng cố kiếm lấy một câu, hay chí ít cũng được một chữ Phước treo ba ngày Tết mong lấy hên một năm đầy hồng phúc như ý hoặc một chữ Xuân ngược chổng vó lên trời ước mong xuân ở mãi đừng đi vì hai chân nàng xuân đã bị treo ngược lên trời rồi! Người xưa đặt ra thể loại văn đối rất độc đáo, ít chữ nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Như một công án chốn thiền môn, giúp cho người ta tỉnh thức, cảm thấy yêu đời, yêu công việc hơn. Hiện chúng ta vẫn còn dịp thưởng thức một trong những câu đối xuân đẹp nhất của ngươi xưa để lại vào sáng mùng một trước ngõ nhà của một vài ông đồ già còn sót lại. Trên tấm giấy điều, mùa Xuân lộng lẫy non tơ tha thướt về, qua nét viết theo lối chữ hành tao nhã: Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân (Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi). Câu tuy ít chữ nhưng rất có ý nghĩa, không chỉ ba ngày Tết mà cả đời người đọc hoài không chán. Một câu khác cũng hay không kém: Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ/Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên (Mỗi năm có bốn mùa, xuân là mùa đầu tiên/Con người có trăm tính, hiếu thảo là tính quý nhất).
Câu đối như người thầy lặng lẽ đáng kính, như món ăn tinh thần cần thiết và bổ ích lưu truyền đến hôm nay mà chúng ta đã được thừa hưởng từ kho tàng chữ nghĩa vàng ngọc quý báu của tổ tiên để lại. Đó như là những câu khẩu hiệu, ngày nào cũng đập vào mắt, khắc ghi vào trí nhớ, nhắc nhở, động viên và dẫn dắt chúng ta đi trên con đường thiện. Ngày xưa ông cha ta dùng chữ Nho, bây giờ ai không biết chữ Nho thì dùng chữ Việt; tiếng Việt rất phong phú, đầy ngữ điệu và chất thơ. Chúng ta thử xem một câu đối xuân thuần Việt sau đây và cho lời bình phẩm nhé, chắc cũng không đến nỗi nào: Bớt cơn giận, bớt hận trách người. Chào năm mới, đời vui tươi như TẾT/Thêm tiếng cười, thêm lời từ ái. Đón xuân về, sống trẻ mãi như XUÂN.
Không cần phải đêm hôm rình mò cực khổ ăn cắp như anh chàng trong câu chuyện kia, chỉ cần nhờ một nhà thư pháp rất trẻ trên đường phố, một ông đồ Việt non choẹt, phóng bút như rồng bay phượng múa trên tấm giấy xuyến chỉ, gấy bồi thô hay giấy hồng điều là có ngay một câu đối Tết tuyệt đẹp vừa ý, kịp treo trong nhà đón Tết vui xuân, nối tiếp một truyền thống giáo dục gia đình độc đáo của tổ tiên.
Mùa Xuân đã đến nhà quý vị rồi đó, có thấy không? Sương lặng lẽ long lanh chồi lộc biếc/Nắng lung linh lấp lánh cánh mai vàng. Vẳng đâu đây tiếng nhạc xuân quen thuộc: Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa. Xuân đến bên kia đồi trời mở ra cánh én. Em hãy dâng cho đời một nụ hoa tình cờ. Đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa. Em líu lo bên đời dạy tôi biết xa gần”(Hoa xuân ca - Trịnh Công Sơn). Quý vị còn chần chờ gì nữa, hãy treo câu đối Tết trong phòng khách bên cạnh một nhành mai lấp lánh tia nắng xuân rực vàng ấm áp. Hãy thở và cười! Tâm hân hoan - hỷ xả để cho ba ngày TẾT, bao lo toan buông hết. Yêu cuộc đời tha thiết/ Bảy ngày XUÂN, lời chúc đẹp để dành. Tặng khách quý xa gần. Đâu phải chỉ ba ngày
Tết, bảy ngày xuân mới vui, còn mọi ngày khác tại sao không?!
Theo Lê Đàn/ ĐTK VN