Cập nhật: 05/12/2013 15:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các trò vui chơi ngày Tết của nhân dân ta xưa được sử gọi là Trăm Trò Chơi (Bách Hí), ngày nay đã chìm vào bóng đêm của thời gian, nhiều trò vui không còn dấu tích gì trong sử sách và phong tục nhưng vẫn có những trò vui để lại nhiều dấu vết. Năm hết Tết đến, chúng ta hãy thử tìm hiểu một số trò chơi ấy theo các thư tịch xưa để gọi là “ôn cố” chút ít nhân dịp mùa Xuân truyền thống của dân tộc đã về…

Chơi cướp cờ. Đầu tiên là trò chơi đánh phết. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép việc năm Bính Ngọ (1126): “Tháng Hai, ngày mùng 1, vua ngự điện Thiên An xem các vương hầu đá cầu”. Đá cầu ấy như thế nào? Hoàng Xuân Hãn đã cho biết rõ hơn trong sách “Lý Thường Kiệt”: “Hai bên tả hữu dựng hai cửa gỗ gọi là cầu môn cao độ hơn một trượng. Vương hầu dự chơi chia làm hai phe mặc áo vóc màu sắc khác nhau. 

Trước thềm bày hai giá cờ, hễ bên nào được thì cắm vào giá bên ấy một lá cờ. Có khi thì chơi chạy bộ đánh phết, có khi thì chơi cưỡi ngựa đánh phết. Người ngồi trên ngựa một tay cầm cương, tay kia cầm gậy dài để đánh quả phết. Đánh phết có nhạc đi kèm. Bắt đầu chơi thì nhạc nổi lên. Lúc tranh quả phết thì trống đánh rây. Quả phết đến gần thì trống giục càng mau. Lúc quả phết lọt qua cửa thì gióng lên 3 hồi trống. Chơi được một hồi lâu, vương hầu lại nghỉ uống rượu, xong lại đánh tiếp”. 

Chơi U Các trò vui lúc ấy, nhân dân ta - nhất là giới trẻ - rất ưa chuộng đó là chọi gà, đánh đu, và chơi tam cúc. Trước năm 1945, các trò vui này vẫn thịnh hành ở hầu hết các thôn xã Việt Nam. Chọi gà đã đi vào nghệ thuật dân gian và là trò vui sôi động vào các dịp đầu năm, hội hè, đình đám. Trò vui chọi gà này đến thế kỷ 13 đã thành một tục lệ tràn lan trong giới thanh niên đến độ khi cả nước ta phải thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Trần Hưng Đạo Vương phải nhắc nhở quân sĩ nên hạn chế bớt, như trong Hịch tướng sĩ: “…Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển…”. 

Riêng trò chơi Đánh đu (gồm nhiều loại như Đu tiên, Đu vân xa, v.v…) là một trò chơi phổ thông được hầu hết trai gái ưa chuộng. Bởi vậy mới có câu ca dao: Tháng giêng giai tiết ở đầu. Bao nhiêu mỹ nữ đá cầu, đánh đu. 

Đu đôi - Bắt trạch Theo tư liệu và hình ảnh cũ, chúng ta có thể mô tả như sau: Người ta trồng hai cột gỗ cao song song nhau giữa một bãi đất trống và ở giữa treo một bàn nhún (để đủ 2 người nam - nữ cùng đứng). Có làng phải trồng đến hai, ba cây đu trong dịp Tết để đáp ứng yêu cầu vui chơi giải trí của đôi trai gái. Các nam thanh nữ tú kéo tới rủ nhau lên đánh đu, thường thường mỗi cặp đu là một nam một nữ mới thêm phần thú vị, như bài thơ của Hồ Xuân Hương: 

“Bốn cột khen ai khéo khéo trồng

Kẻ thì lên đánh kẻ ngồi trông

Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới

Đôi hàng chân ngọc duỗi song song

Chơi Xuân ai biết Xuân chăng tá?

Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không”. 

Còn chơi Tam cúc vào dịp Tết là thú vui giải trí hơn thấp cao chứ không có tính sát phạt như cờ bạc ngày nay. 

Chơi đánh khăng. Thử soát xét các cuộc vui trong dịp Xuân về trong lịch sử, ta có thể xếp thứ tự theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Lễ đua thuyền tổ chức vào đời Lê Hoàn. Mùa Xuân hằng năm, con trai con gái họp nhau đánh đu ở đất Đà Dương (Châu Hóa)… Đến thế kỷ thứ 15 thì trong dân gian, cái phong tục cỗ bàn xa xỉ đã lậm lắm rồi nên điều lệ năm Kỷ Dậu (1429) mới có lệnh: “Người nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc, thì quan tư và quân dân bắt đem nộp để trị tội, đánh bạc thì chặt 5 phân ngón tay, đánh cờ vây thì chặt 1 phân ngón tay…”. Và đến năm Ất Tỵ (1665) lại có lệnh nhắc lại lệnh cấm chọi gà, đánh cờ, đánh bạc… 

Trò chơi "Rồng rắn lên mây". Xem như vậy, các cuộc vui mùa Xuân càng ngày càng quá lạm, mặc dù lề thói cổ truyền của dân tộc ta là không phải vậy. Ngay cả tục uống rượu, trong đại bộ phận nhân dân ta đến đầu triều Nguyễn vẫn có cái phong thú tao nhã như lời của Phạm Đình Hổ trong “Vũ Trung tùy bút”: “Khi nào có khách thết rượu thì chỉ dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái, mà uống vài chén rồi thôi ngay, nếu người uống quá thì ai cũng chê là say đắm”. 

Một nhà nghiên cứu hiện đại đã có một ý kiến xác đáng về các hội Xuân của dân tộc: “Đi hội Xuân để vui Xuân, ngày vui nhàn rỗi, người dân quê thường đi hội Xuân để tham dự hoặc thưởng thức những trò vui của ngày hội. Và những hội Xuân này, tuy gọi là hội làng nhưng vẫn hằng lôi cuốn được rất nhiều khách thị thành hàng năm tới xem hội với những trò vui hấp dẫn và lành mạnh” (theo Toan Ánh, Làng Xóm Việt Nam). 

Có lẽ ý kiến ấy là “có lý có tình” khi chúng ta đang muốn trở về với những mỹ tục truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Theo L.H (tổng hợp)

Tệp đính kèm