Thoả thuận an ninh giữa hai nước sẽ được ký kết theo đúng lịch trình chứ không bị trì hoãn.
Quân đội Mỹ tại Afghanistan (Ảnh Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố như trên trong một chuyến thăm không chính thức đến Afghanistan ngày 7/12.
Ông cũng cho biết người đồng cấp nước chủ nhà Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi đã đảm bảo với ông rằng “thoả thuận song phương sẽ được ký kết theo đúng kế hoạch ban đầu”.
Ông Hagel cho biết ông không tin rằng việc cố gắng gây sức ép với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sẽ có hiệu quả. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết cuộc gặp riêng giữa ông và ông Karzai không nằm trong lịch trình từ trước của ông bởi ông Hagel đến Afghanistan chỉ để gửi lời cảm ơn đến những binh lính Mỹ đang đóng quân tại nước này.
Chuyến thăm của ông Hagel diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Afghanistan đang bế tắc về thoả thuận an ninh sau khi Tổng thống Karzai từ chối ký vào thoả thuận trên và trì hoãn việc này đến sau cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.
Nếu không có thoả thuận này, 46.000 quân Mỹ và 27.000 binh lính các nước khác đang đồn trú tại Afghanistan sẽ bị buộc phải rời khỏi nước này vào năm 2014.
“Trong vài tuần tới, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ lên một kế hoạch khác thay vì kế hoạch ban đầu nhằm duy trì binh lính của chúng ta tại Afghanistan sau năm 2014”, Tư lệnh NATO tại Afghanistan, tướng Joseph Dunford cho biết.
Theo dự thảo thoả thuận an ninh ban đầu, binh lính nước ngoài sẽ được phép đóng quân tại Afghanistan đến năm 2024 để tham gia công tác huấn luyện và thực hiện các chiến dịch chống khủng bố. Ông Karzai trước đó đã chấp thuận việc này và Hội đồng Trưởng lão Afghanistan cũng đã tuyên bố thoả thuận này sẽ được ký vào cuối năm nay.
Trong khi đó, các quan chức tại Washington và NATO đã lên tiếng rằng họ muốn Kabul sớm đưa ra quyết định của mình để có thể điều phối lực lượng quân đội của mình tại Afghanistan sau năm 2014. Ông Karzai đã nhắc lại rằng ông sẽ không ký vào thoả thuận nếu nó không thể ngăn chặn được việc quân đội nước ngoài tấn công nhiều dân thường tại Afghanistan.
Điều này thể hiện rõ việc Tổng thống Karzai từ chối chấp thuận việc cho phép Mỹ đơn phương tiến hành các chiến dịch quân sự tại Afghanistan bao gồm cả việc khám xét nhà những thường dân.
Tuy nhiên, các điều khoản trong bản dự thảo thảo thuận an ninh do chính quyền của ông Karzai đưa ra ngày 20/11 cũng gặp phải rất nhiều những tranh luận.
Theo như dự thảo này, quân Mỹ có thể khám xét nhà người dân Afghanistan chỉ trong “những điều kiện đặc biệt” và quân đội Mỹ hiện diện tại Afghanistan sẽ phải tuân thủ luật pháp Mỹ chứ không phải luật pháp Afghanistan.
Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Afghanistan có thể lại đối mặt với nhóm khủng bố Taliban cũng như mất đi hàng tỷ USD tiền viện trợ quốc tế./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN