Cập nhật: 12/12/2013 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dù chưa thực sự giải quyết được tất cả các vấn đề tài chính, song thỏa thuận này đã bước đầu chặn đứng được nguy cơ đóng cửa Chính phủ lần hai vào ngày 15/01/2014.

Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Patty Murray (bên phải) và Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Paul Ryan tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận ngân sách.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:  

[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.11MyDatDuocTHoaTHuanVeNganSach.mp3[/video]

Sau nhiều tuần đàm phán và tranh cãi căng thẳng, các nhà đàm phán hàng đầu của Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngân sách về việc thiết lập các mức chi tiêu cho Chính phủ trong vòng hai năm tài khóa tới và thay thế các biện pháp cắt giảm ngân sách tự động (còn gọi là sequester).

Dù chưa thực sự giải quyết được tất cả các vấn đề tài chính của nước Mỹ, song thỏa thuận này đã bước đầu chặn đứng được nguy cơ đóng cửa Chính phủ lần hai vào ngày 15/01/2014.

Thỏa thuận được hai trưởng đoàn đàm phán ngân sách của hai viện Quốc hội Mỹ là Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Patty Murray và Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Paul Ryan công bố chi tiết tại cuộc họp báo sau đàm phán.

Theo đó, thỏa thuận thiết lập mức chi tiêu cho năm tài khóa 2014 ở mức 1.012 tỷ USD và năm tài khóa 2015 ở mức 1.014 tỷ USD. Với thỏa thuận này, ngân sách của chính phủ liên bang tài khóa 2014, sẽ không bị cắt giảm tự động 85 tỷ USD và mức thâm hụt ngân sách dự kiến cũng sẽ được cắt giảm xuống còn 23 tỷ USD, đồng thời đóng góp thêm cho ngân sách liên bang 63 tỷ USD nhằm giải quyết các biện pháp cắt giảm ngân sách tự động của nước Mỹ trong vòng 2 năm tới.

Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn còn bỏ ngỏ một số vấn đề tài chính lớn khác của nước Mỹ, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 12 tới như: chương trình mã số thuế, các chương trình phúc lợi thất nghiệp liên bang….

Dù vậy, đây vẫn được xem là một thỏa thuận ngân sách quan trọng đối với nước Mỹ bởi nếu không đạt được thỏa thuận trên, ngân sách tài trợ cho hoạt động của các cơ quan Chính phủ liên bang sẽ cạn kiệt vào ngày 15/01/2014 và phần lớn cơ quan của Chính phủ sẽ tiếp tục rơi vào nguy cơ bị đóng cửa như đã từng xảy ra vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, qua đó góp phần tạm dừng cuộc chiến ngân sách tại nước này.

Phát biểu trước báo giới, Hạ nghị sĩ Ryan cho rằng thỏa thuận này là “một bước đi quan trọng và đúng hướng”, góp phần xoa dịu những bất đồng về chính sách tại Quốc hội cũng như tránh cho nước Mỹ rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.

Hạ nghị sĩ Ryan nói: “Theo tôi thỏa thuận này là một bước tiến tích cực giúp nước Mỹ tránh rơi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Trước nhất, nó giúp chính phủ Mỹ không phải dừng hoạt động trong những ngày đầu năm 2014”.

Cùng chung quan điểm, nữ nghị sĩ của đảng Dân chủ Murray nhấn mạnh thỏa thuận vừa đạt được sẽ giúp chính phủ liên bang không phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa lần hai vào đầu năm 2014.

Thượng nghị sĩ Murray cho biết: “Thỏa thuận này dù không giải quyết được tất cả các vấn đề của nước Mỹ song giúp Mỹ tránh bị tổn thương lần 2, giúp chữa lành vết thương tại hai viện quốc hội Mỹ, cho thấy quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện đầy đủ quyền lực của mình, tránh cho nước Mỹ đi vào bế tắc như những ngày đầu tháng 10”.

Dư luận Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận trên. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner ngay lập tức đã gọi thỏa thuận “vừa phải” trên giữa hai đảng là một động thái tích cực giúp nước Mỹ hướng tới tương lai. Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một tuyên bố đã gọi thỏa thuận trên là “một thỏa thuận cân bằng, được xây dựng theo cách không làm tổn thương nền kinh tế Mỹ”.

Thỏa thuận đạt được sau nhiều ngày đàm phán đầy căng thẳng giữa 29 thành viên hai viện Quốc hội Mỹ, sẽ cần được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua đầy đủ. Theo dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu vào thứ Sáu tới theo giờ địa phương và nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ được Thượng viện bỏ phiếu vào cuối tuần này hoặc tuần tới.

Theo Radio Việt Nam

Tệp đính kèm