Lực lượng quân đội nước này bị chia làm 2 phe, ủng hộ và chống đối Tổng thống đương nhiệm.
Quân chính phủ Nam Sudan (ảnh: Reuters)
Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh bất ổn và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Nam Sudan, sau vụ tấn công nhằm vào một cơ sở của Liên Hợp Quốc xảy ra trước đó cùng ngày, cướp đi sinh mạng của hơn 20 dân thường và 2 nhân viên gìn giữ hòa bình người Ấn Độ.
Phát biểu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Gerard Araud cho biết, Hội đồng Bảo an cực lực lên án cuộc xung đột tại Nam Sudan.
“Các thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh rằng, tất cả các bên cần phải từ bỏ bạo lực dưới mọi hình thức và giải quyết những bất đồng một cách hòa bình. Các thành viên Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar hành động có trách nhiệm, kêu gọi chấm dứt chiến sự và mở cửa đối thoại ngay lập tức nhằm sớm đưa ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này”, ông Araud nói.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết đã chỉ thị cho lực lượng gìn giữ hòa bình và các phái đoàn của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan làm bất cứ điều gì trong khả năng và nhiệm vụ của mình để bảo vệ dân thường nước này.
Xung đột tại Nam Sudan bùng phát kể từ khi Tổng thống Salva Kiir quyết định giải tán nội các và cách chức Phó Tổng thống Riek Machar hồi tháng 7/2013, do ông này công khai chỉ trích chính phủ và bị cáo buộc cầm đầu âm mưu đảo chính.
Mâu thuẫn gia tăng giữa hai nhóm binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh cộng hòa - một thuộc bộ tộc Dinka trung thành với Tổng thống Salva Kiir và một thuộc bộ tộc Nuer của ông Macha.
Xung đột bạo lực đã bùng phát tối 15/12 giữa hai nhóm binh sĩ tại doanh trại quân đội ở thủ đô Juba. Tổng thống Salva Kiir cho rằng, vụ đụng độ trên là một cuộc đảo chính của các binh sĩ trung thành với ông Macha./.
Theo Lệ Chi/VOV.VN