Giải pháp thay mũi khoan bằng chùm tia laser giúp hệ số thu hồi dầu, khí tại các giếng khoan tăng lên đến 90%.
Sẽ không còn những tổ hợp khoan chiếm diện tích rộng, tháp khoan cồng kềnh khi áp dụng công nghệ mới
Nga đang đứng trước thách thức tăng hệ số thu hồi hydrocarbon từ các vỉa dầu khi tỷ lệ thu hồi dầu khí trong các túi mỏ của Nga không vượt quá 30-31% trong khi chỉ số thu hồi dầu và khí trên toàn thế giới là gần 40%.
Với công nghệ mới nói trên, chùm tia laser có khả năng thâm nhập những nơi khó tiếp cận nhằm hút cạn hết dầu và khí đốt từ các vỉa. Tia laser có thể xuyên qua đá, thâm nhập những nơi không thể tiếp cận bằng phương pháp khai thác truyền thống. Một lợi thế khác nữa là tốc độ khai thác dầu sẽ tăng gấp 3-4 lần.
Phát minh này còn mở ra cơ hội tận thu lại các giếng khoan đã bị đóng do sự bất cập của phương pháp khai thác cũ. Phương pháp này còn giảm tối đa ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
Về công nghệ này, trang mạng netl.doe.gov cho hay: Laser có khả năng cắt qua đá nhanh hơn so với phương pháp truyền thống. Laser cũng có thể gây ra rạn vỡ, đứt gãy những tảng đá bằng cách giãn nở nhiệt, đồng thời còn phá hủy đá mà không làm hỏng thành giếng, điều mà kỹ thuật khoan nổ hoặc khoan thông thường vẫn để xảy ra. Các thông số về tia laser có thể được kiểm soát rất chính xác để đạt được mục đích thăm dò và xuyên phá qua các vỉa.
Trước đây, các nhà khoa học Mỹ đã từng đề xuất sử dụng laser trong công nghiệp khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, kỹ thuật của họ có sự khác biệt đáng kể: người Mỹ chỉ dự định hâm nóng đất đá bằng tia laser, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi khoan và giảm sự mài mòn của thiết bị, như thế rất tốn kém.
Công suất của chùm laser ngày nay đang được cải thiện, kỳ vọng phương pháp này sẽ đưa ngành dầu khí vào một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga vẫn cẩn trọng cho rằng từ thí nghiệm đến thực tế còn cần thời gian thêm nữa.
Theo chinhphu.vn