Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số CPI cả nước tháng 12/2013 chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 8% được Quốc hội thông qua. Đây cũng là mức tăng CPI thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Kết quả này đã giúp mục tiêu kiềm chế lạm phát đặt ra từ đầu năm của Chính phủ trong năm 2013 hoàn thành.
Tuy nhiên, thị trường giá cả năm 2013 bộc lộ hàng loạt bất cập từ nhiều năm qua mà chưa được khắc phục.
Vẫn chuyện tăng hai, giảm một
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất trong năm 2013 là tình trạng tăng giá của những mặt hàng thuộc diện Nhà nước kiểm soát giá như: xăng dầu, điện và cước viễn thông. Trên thực tế, giá xăng dầu với 11 lần điều chính giá trong năm 2013 đã giúp việc điều hành mặt hàng này theo sát diễn biến giá thị trường hơn. Tuy nhiên, tình trạng “giảm ít, tăng nhiều” không giảm bớt. Theo TS Nguyễn Thị HIền đợt tăng giá “khó hiểu” ngày 28/3 và đợt “giảm nhỏ giọt” ngày 18/4 đã để lại ấn tượng rất đậm về khiếm khuyết trong điều hành vĩ mô với thị trường bán lẻ xăng dầu năm 2013.
Việc giá cước viễn thông tăng tới 400% các gói cước 3G (theo tính toán của nhiều chuyên gia) trong khi lãnh đạo Bộ lại bảo vệ và đề nghị Chính phủ cho phép DN được tiếp tục điều chỉnh thêm (trong khi 3 DN đề nghị tăng giá chiếm thị phần áp đảo đang lãi lớn), theo TS Hiền, đã cho thấy tình trạng “lợi ích nhóm” khi điều hành giá các sản phẩm có vị thê độc quyền lĩnh vực công nghệ cao.
Với giá điện, mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ với ngành điện trong việc điều chỉnh giá điện sát với thị trường sau một thời gian dài Nhà nước bao cấp giá mặt hàng này song, dư luận cũng mong muốn ngành điện công khai, minh bạch và kiểm toán rõ ràng nghiêm túc trong việc hạch toán giá điện.
Ngoài ra, câu chuyện giá gas “bất thình lình” tăng tới 78.000 đồng/bình 12kg đã khiến nhiều người tiêu dùng “sốc”. Nhìn lại cách điều hành, quản lý mặt hàng này, các chuyên gia trong lĩnh vực giá cả cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra yếu tố hình thành giá của các DN này xem việc họ tính toán giá có hợp lý không. Cần thiết, trong bối cảnh nhất định, Luật giá qui định, có thể áp dụng giá tối đa có thời hạn nhất định đối với các DN này.
Cùng với đó, các DN kinh doanh gas cũng phải rà soát lại các chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí hoa hồng cho đại lý của mình... để xem xét cái nào không hợp lý thì triết giảm.
Điều quan trọng nữa, các DN có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng của toàn hệ thống của mình, kể cả khâu quản lý, bán lẻ... Bây giờ không kiểm tra, kiểm soát để khâu đại lý cuối cùng bán theo giá họ muốn thì cũng không được.
Một bất cập nữa là khi giá các mặt hàng độc quyền tăng giá khá mạnh thì giá hàng tiêu dùng thông thường, đặc biệt là nông sản năm 2013 lại có mức tăng thấp (trên dưới 1% mức tăng chung của giá bán lẻ là 6,04%). Đặc biệt, nhiều sản phẩm có mức tăng giá thấp hơn mức lạm phát, đồng nghĩa với việc người sản xuất không thu được mức lợi nhuận đủ để tái sản xuất. Tình trạng nông dân bỏ ruộng cho thấy một “góc tối” của thị trường nông sản vài năm trở lại đây, đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm tìm ra giải pháp để hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp vốn được coi là chỗ dựa của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Phải giảm các khâu trung gian để hạn chế tăng giá
Năm 2014, được nhận định là kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặc dù CPI đang trong tầm kiểm soát, sức mua yếu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược ngân hàng, để kiểm soát hiệu quả lạm phát năm 2014, biến thách thức thành cơ hội cần nâng cao tính chủ động của cơ quan quản lý đặc biệt là đơn vị quản lý tiền tệ và giá cả thị trường. Cần xây dựng một hệ thống phân phối, lưu thông hàng hóa minh bạch, bảo đảm quyền lợi DN và người tiêu dùng qua đó giúp kiểm soát giá thị trường.
Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội siêu thị TP Hà Nội nhấn mạnh việc phải tập trung xây dựng hạ tầng, đưa sản xuất – tiêu dùng là khâu khép kín, hạn chế triệt để những khâu trung gian không cần thiết. Đặc biệt, cần xây dựng các tập đoàn kinh tế đủ mạnh, đóng vai trò “nhạc trưởng” có thể dẫn dắt thị trường nhất là khi có biến động về giá cả. Cùng với vai trò dự trữ quốc gia của Chính phủ, việc tham gia của các “nhạc trưởng” sẽ giúp bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu như: gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu… góp phần giữ ổn định giá cả một cách hợp lý trên thị trường tiêu dùng nội địa năm 2014 và những năm tiếp theo.
Với góc nhìn của một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thị trường, giá cả, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng: Bên cạnh thành tựu về kiềm chế lạm phát ở mức thấp thì đã hiển hiện nỗi lo về sản xuất đình đốn, đời sống của người dân khó khăn. Thực tế này cho thấy, bản chất của việc CPI giảm là do tổng cầu yếu chứ không phải do năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng lên, giúp chi phí sản xuất và giá thành hạ. Lãi suất ngân hàng tuy giảm là điều đáng mừng so DN vẫn không tiếp cận được khoản vay do không đủ tiêu chuẩn khiến ngân hàng – DN vẫn chưa “gặp” được nhau. Thêm vào đó, “điểm sáng” nhập siêu thấp nếu bóc tách cũng cho thấy lượng máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào giảm phản ánh thực trạng SXKD của DN đang thu hẹp còn thành tích xuất khẩu ấn tượng lại chủ yếu dự vào khu vực DN FDI…/.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN