Từ 1/1/2014, hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực như Hiến pháp sửa đổi, tăng lương tối thiểu vùng...
Cảnh sát giao thông xử lý người vi phạm giao thông
Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực
Từ ngày 1/1/2014, bản Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 28/11, sẽ chính thức có hiệu lực. Khi Hiến pháp có hiệu lực các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như: Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án Nhân dân tối cao; Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền…
Giảm mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông
Nghị định 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, sẽ thay đổi nhiều mức xử phạt vi phạm giao thông so với Nghị định 71. Cụ thể, nhiều mức xử phạt không tăng mà còn giảm so với trước như hành vi chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước bị xử phạt từ 300 đến 400.000 đồng (Nghị định 71 phạt từ 300 đến 500.000 đồng).
Với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; điều khiển xe trên đường trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu bị phạt từ 7 đến 8 triệu đồng (Nghị định 71 phạt từ 8 đến 10 triệu đồng)…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp. Nghị định cũng không quy định về mức phạt thí điểm (cao hơn) đối với một số hành vi vi phạm giao thông trong nội ô của các thành phố trực thuộc trung ương.
Làm sai lệch nội dung bản tin bão, lũ bị phạt tới 50 triệu đồng
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trọng lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó các hành vi đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng quy định sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan thẩm quyền cấp cũng bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng; cùng hành vi như vậy nếu gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Lương tối thiểu vùng tăng lên cao nhất 2,7 triệu đồng/tháng
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 là 2,7 triệu đồng/tháng tại vùng I; 2,4 triệu đồng/tháng tại vùng II; tại vùng III là 2,1 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,9 triệu đồng/tháng. So với mức lương tối thiểu theo vùng hiện hành thì mức lương tối thiểu theo vùng sắp áp dụng sẽ cao hơn khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.
Giảm thuế nhập khẩu nhiều loại ô tô
Thuế suất, thuế nhập khẩu nhiều loại ô tô từ cá nước ASEAN sẽ giảm về mức 50% từ ngày 1/1/2014. Mức thuế suất này đước quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014.
Phạt nặng vi phạm về thi người đẹp, người mẫu
Từ ngày 1/1/2014, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo chính thức có hiệu lực. Theo đó, nếu nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu không thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 6 triệu đồng. Với hành vi đưa thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu không đủ các điều kiện theo quy định cũng bị mức phạt tương tự. Đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu không có giấy phép bị phạt từ 20 đến 50 triệu đồng.
Nghị định này cũng quy định phạt từ 200 đến 500 nghìn đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử. Việc treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội cũng bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng./.
Theo PV/VOV.VN