Cập nhật: 08/01/2014 08:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức buổi giải trình về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng...”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng đại diện một số bộ ngành đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên giải trình.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên giải trình (Ảnh: Hoàng Thái)

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiều đại biểu ghi nhận quyết tâm của Bộ Công Thương song cho rằng, quản lý thị trường vẫn là khâu yếu trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, không đâu mua được hàng lậu dễ dàng như ở Việt Nam. Vậy, liệu có hay không tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chắc chắn không thể không có hiện tượng tiêu cực trong lực lượng chức năng. Hàng năm ban chỉ đạo 127 thường có cuộc họp tổng kết, trong đó nêu ra hiện tượng tiêu cực, kể cả trong lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường của Bộ công thương cũng chỉ là số ít. Nếu tiêu cực nhiều thì chắc chắn không đạt được kết quả như hiện nay”.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, từ năm 2009 đến năm 2013, số lượt cán bộ quản lý thị trường được luân chuyển, thay đổi vị trí công tác là hơn 4000 người nhằm hạn chế tiêu cực xảy ra. Còn về tự thanh tra, riêng năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý 45 cán bộ sai phạm.

Theo phản ánh của các đại biểu, hiện nay, các lực lượng chức năng xử lý buôn lậu quả biên giới chủ yếu chỉ tập trung vào những người làm thuê, mang vác hàng qua biên giới mà chưa tập trung xử lý các đầu nậu, những người cầm đầu đường dây buôn lậu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Trong công tác này, muốn đạt được giải pháp căn cơ và muốn ngăn chặn thì phải tăng cường hơn nữa việc trinh sát, phát hiện và xử lý các đường dây có tổ chức. Còn việc xử lý những người mang vác thì đúng là chỉ xử lý phần ngọn. Người dân khu vực biên giới vì mưu kế sinh nhai nên vô hình trung tiếp tay cho buôn lậu”.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta chưa đánh giá hết hậu quả nghiêm trọng của hoạt động buôn lậu, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông, buôn lậu và gian lận thương mại là tác nhân phá hoại nền kinh tế, làm mất niềm tin của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết kế hoạch đầu tư cho lực lượng quản lý thị trường để Quốc hội xem xét. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước có khoảng 5200 người. So với yêu cầu thì con số này quá mỏng. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đã có đề án trình Chính phủ đề nghị tăng thêm khoảng 1000 cán bộ quản lý thị trường cho những địa bàn trọng điểm, nhất là các tỉnh biên giới.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, từng lực lượng thì mỏng nhưng trên cả nước hiện nay có 5 cơ quan hành chính có chức năng xử lý buôn lậu, gian lận thương mại. Như vậy là rất hùng mạnh nhưng lại thiếu đồng bộ, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Một số đại biểu đề nghị nâng cấp Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127) thành Ủy ban quốc gia phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thức rằng, Ban chỉ đạo 127 thành lập năm 1995, khi Việt Nam chưa hội nhập sâu. Hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại chưa mạnh mẽ như hiện nay. Chúng tôi cũng đã đề nghị Chính phủ nâng cấp Ban chỉ đạo này, do một đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Kinh nghiệm chống gia cầm nhập lậu vừa qua cho thấy, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng là có hiệu quả”

Cũng tại phiên giải trình, đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan đã trình bày các giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Phát biểu kết thúc phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới đang có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Vấn đề này đã được nêu ra tại nhiều phiên họp của Quốc hội. Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát vấn đề này.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ để trình ra những giải pháp căn cơ, phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương để tạo chuyển biến trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới./.

Theo Hoàng Thái/VOV.VN

Tệp đính kèm