Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải Phó Giám đốc An ninh quốc gia Muammer Bucak cùng cảnh sát trưởng của 16 tỉnh trên cả nước, trong một động thái nhằm tăng cường thanh lọc lực lượng thực thi pháp luật, sau bế bối tham nhũng của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc, một số quan chức đang tiếp tay cho chính trị gia đối lập Gulen (Ảnh: AP)
Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ quan ngại đối với việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sa thải một số lượng lớn quan chức cảnh sát của nước này vì cáo buộc tham nhũng.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Olivier Bailly cho rằng, dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định sa thải hay tái bổ nhiệm cảnh sát thì sự thay đổi lớn như lần này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng điều tra của hệ thống tư pháp ở nước này.
Uỷ ban châu Âu yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra tham nhũng với sự công bằng, đồng thời nhắc nhở Ancara về những cam kết trong quá trình xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vốn gặp nhiều trắc trở.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Olivier Bailly nói: “Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một nước ứng viên, cần phải tôn trọng những tiêu chí khi gia nhập Liên minh châu ÂU, trong đó có những quy định luật pháp, để có những biện pháp cần thiết đảm bảo các cáo buộc về hành vi sai trái của những quan chức phải được giải quyết mà không có sự phân biệt hay thiên vị, đảm bảo tính minh bạch và công bằng”.
Tuy nhiên, Người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Huseyin Celik cho biết, sự thay đổi nhân sự này không có gì bất thường.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cố ngăn chặn tác động chính trị tiêu cực ngày càng lớn từ cuộc điều tra về hối lộ đang là mối đe dọa lớn nhất trong suốt 11 năm cầm quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan. Ông Erdogan cáo buộc, một số quan chức cảnh sát và tư pháp đang tiếp tay cho chính trị gia đối lập Fethullah Gulen ngụy tạo một cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào chính phủ của ông.
Phần lớn trong số hàng chục quan chức và doanh nhân bị bắt giữ từ ngày 17/12 vừa qua đã được trả tự do, nhưng 24 người còn lại, bao gồm con trai của 2 cựu Bộ trưởng vẫn bị tạm giam để điều tra. Chi tiết của vụ bê bối tham nhũng chưa được công bố song báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ việc có thể liên quan đến các dự án xây dựng bất động sản và mua bán vàng với Iran.
Kể từ khi bê bối tham nhũng bị phanh phui hôm 17/12 vừa qua, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hàng trăm cảnh sát, trong đó có 350 cảnh sát ở Ankara bị sa thải hôm 7/1 vừa qua. Trong số cảnh sát trưởng của 16 tỉnh vừa bị sa thải có cả những khu vực quan trọng như thủ đô Ankara, Izmir, Antalya, Diyarbakir./.
Theo Diệu Hương/VOV.VN