Cập nhật: 16/01/2014 10:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến thời điểm này, 95% số hộ dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được sử dụng điện lưới quốc gia và tỉnh này đã trở thành một trong những địa phương có số hộ dân được dùng điện cao của cả nước.

Chúng tôi đến thôn Tân Châu, xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc vào những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Ngọ khi sắc xuân đang về trên những đồi chè bát ngát và trên từng nét mặt phấn khởi của người dân. Dọc hai bên đường đi, lưới điện quốc gia chạy dài thẳng tắp, phủ kín thôn buôn, vươn tỏa đến mọi nhà.

Khoảng 15 năm về trước, người dân ở xã Tân Châu còn gặp nhiều khó khăn bởi cơ sở vật chất hạ tầng thấp kém, nhất là hệ thống giao thông và điện. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã.

Bà Lê Nguyệt Thu, quê ở Hòa Bình, vào đây lập nghiệp đã gần 20 năm cho biết: Trước đây chưa có điện cuộc sống của gia đình bà phải chịu cảnh tối tăm, quanh năm chỉ có đèn dầu tù mù. Từ khi có điện lưới quốc gia về, cuộc sống của gia đình bà cũng như hàng trăm hộ gia đình thôn này đã thực sự thay đổi. Bây giờ nhà nào, nhà nấy đều có có xe máy, đài, ti vi, máy tính cả.

Còn theo ông Ka Minh, trưởng thôn Tân Châu, điện lưới quốc gia về đã mang theo ấm no đến từng hộ gia đình của bà con dân tộc Châu Mạ nơi đây. Điện về không chỉ giúp bà con thuận tiện trong việc tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp mà còn giúp cho bà con nắm bắt khoa học công nghệ để phục vụ vào sản xuất, trẻ em được học hành sáng sủa, mở mang tri thức. Hiện 100% hộ dân trong xã đã có điện, số hộ nghèo giảm đáng kể.

Thời gian qua Điện lực Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã  rất nỗ lực trong việc đầu tư đưa điện về nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Điện lực Bảo Lộc cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tập trung ưu tiên đưa điện về các vùng đồng bào dân tộc với mục đích giúp cho đồng bào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh trong khu vực, làm sao để kinh tế giữa các vùng, miền không có nhiều khoảng cách”.

Cũng như đồng bào ở thôn Tân Châu, Bảo Lộc, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Đăm Rông, tỉnh Lâm Đồng cũng rất phấn khởi khi có điện quốc gia về đến tận nhà.

Là một huyện vùng xa và khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng, 10 năm về trước cuộc sống của người dân ở Đăm Rông chỉ gắn liền với nương, rẫy, quanh năm sống trong đèn dầu tù mù. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhiều chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm tại đây được triển khai góp phần làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo.

Theo ông Thái Viết Phúc, Phó Bí thư, Chủ tịch xã Rômen: Từ một xã rất nghèo, 5 năm trở lại đây, kinh tế và đời sống của hơn 1.600 hộ dân trong xã Rômen đã phát triển khá toàn diện. Tính đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 18 triệu đồng/năm, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2012. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 11,39%, giảm 8,41% so với đầu năm 2013. Hiện 98% hộ dân trong xã có điện, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Ông Thái Viết Phúc nói: “Khi điện vào song song với phát triển kinh tế thì đời sống tinh thần của bà con cũng được thay đổi rất nhiều. Kèm với sự đầu tư về cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm thì các công trình khác cũng được đầu tư đồng bộ trên địa phương. Có điện bà con đã chủ động hơn trong đầu tư sản xuất, đặc biệt là bơm nước để tưới cà phê cũng như các hoạt động khác. Học sinh cũng đã đến lớp 100%”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: Là một tỉnh miền núi có diện tích rộng, đồng bào dân tộc ở rải rác nên những năm qua việc phát triển lưới điện ở Lâm Đồng gặp rất nhiều khó khăn. Song nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của ngành điện, và được Nhà nước quan tâm đầu tư, đến năm 2010 tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được lưới điện quốc gia đến toàn bộ các hộ, các thôn, buôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh. Hiện 95% số hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Xuân về, ánh điện tỏa sáng trên các buôn, làng của tỉnh Lâm Đồng, mang ánh sáng văn hoá đến với đồng bào các dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo những  vùng quê nghèo của tỉnh./.

Theo Đặng Bùi- Lan Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm