Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Văn phòng Chính phủ; liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công Thương cần phối hợp, bàn bạc để tránh chồng chéo, gây khó cho các địa phương khi thực hiện quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm tra thực phẩm ở chợ tổng hợp Tây Thành (thành phố Thanh Hóa). Ảnh minh họa. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra khi dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, Hà Nội là địa bàn đông dân cư, phức tạp nên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn phát sinh nhiều bất cập. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng vượt bậc, thời gian qua Hà Nội đã làm rất tốt và hạn chế được nhiều vi phạm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay các cơ chế chính sách, văn bản quy định còn nhiều bất cập, chồng chéo; trang thiết bị kiểm dịch thiếu và lạc hậu; lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn mỏng. Vì vậy, công tác này cũng còn nhiều vướng mắc, yếu kém. Để khắc phục được những hạn chế trên một cách đồng bộ, đòi hỏi cần có thời gian và nguồn lực lớn. Nhưng vấn đề cấp bách là cần ban hành, sửa đổi các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ chức năng cần phối hợp, bàn bạc để tránh chồng chéo, gây khó cho các địa phương khi thực hiện.
Chẳng hạn, theo Thông tư 160/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, từ ngày 1/1/2014, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được dán một con tem do Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phát hành.
Mặc dù Thông tư đã có hiệu lực nhưng trong thực tế, các đơn vị liên quan chưa chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nên rượu sản xuất nội địa vẫn chưa được kiểm định để dán tem tiêu thụ, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, vô hình chung đã tạo điều kiện cho rượu ngoại “lên ngôi.”
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho là rất quan trọng và chỉ đạo Hà Nội cần làm ngay việc kiểm định chất lượng, cho phép rượu sản xuất nội địa sớm lưu thông trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát lo ngại, tình hình buôn lậu, nhất là vận chuyển gia cầm từ các vùng biên giới về đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, đề nghị Hà Nội tăng cường bố trí các lực lượng kiểm soát chặt tại các đầu mối trước khi vào thành phố.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm qua, từ cấp tỉnh đến trung ương đã tổ chức trên 10.000 đoàn thanh tra về công tác này, tuy nhiên tỷ lệ xử phạt chưa tương xứng với tình hình thực tế. Vì vậy, thời gian tới, công tác này cần được quan tâm và làm quyết liệt hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà thành phố Hà Nội quan tâm.
Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết tới đây, thành phố tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm, đó là: tăng cường đầu tư sản xuất, liên kết với các địa phương lân cận cung cấp sản phẩm cho thị trường Thủ đô; tổ chức mạng lưới, chuỗi 500 điểm đầu mối cung cấp hàng hóa; tăng cường thông tin, quảng cáo để người dân hiểu biết về an toàn thực phẩm; rà soát cơ chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra./.
NGUYỄN VĂN CẢNH (TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/som-khac-phuc-chong-cheo-ve-quan-ly-an-toan-thuc-pham/240158.vnp