Năm 2013 – năm thật khó khăn đối với doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong bức tranh chung của nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, đó là những doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển do có những chiến lược cụ thể và bài bản.
Chủ tịch VCCI cho rằng: Năm 2014 vẫn là một năm khó khăn đối với doanh nghiệp,(ảnh: zing.vn)
Năm vừa qua là năm đầy khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải đương đầu với các vấn đề: thiếu vốn để sản xuất, làm ăn thua lỗ kéo dài… khiến phải giải thể và ngừng hoạt động. Song, Công ty VinaCommodities hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm, sản xuất và kinh doanh dầu thực vật… vẫn luôn duy trì sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước các sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn. Ngoài ra, Công ty còn xuất khẩu những sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam như hạt điều, dầu thực vật sang nhiều thị trường thế giới.
Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VinaCommodities cho biết: Với kinh nghiệm chỉ tập trung phát triển những lợi thế của mình, thiết lập được một hệ thống quản lý rủi ro, nên năm 2013 doanh nghiệp vẫn có tốc độ tăng trưởng trên 40%. Hiện doanh nghiệp có hơn 500 lao động và trong năm nay sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm để mở rộng sản xuất.
Ông Trần Văn Toàn chia sẻ: Năm 2013 là một năm khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp cả nước, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đạt và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh 40%. Trên thương trường mỗi một lĩnh vực có một đặc thù riêng vì vậy doanh nghiệp cần thiết phải có các biện pháp quản trị rủi ro, thêm vào đó doanh nghiệp phải đảm bảo được chữ tín với đối tác. Trong năm tới chúng tôi tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh và lớn hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng là 50% so với năm 2013.
Ông Toàn cũng cho biết thêm: năm 2014, Hiệp định TPP có thể được ký kết sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vươn xa hơn nữa vào thị trường các nước trên thế giới.
Còn đối với Công ty cổ phần xây dựng và công nghệ Tuấn Hùng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Năm vừa qua thị trường bất động sản đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động được. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty đã có những giải pháp, chiến lược duy trì hoạt động, mở rộng thị trường sang các tỉnh.
Ông Lê Xuân Hùng, Giám đốc Công ty chia sẻ: năm 2013, DN chỉ tập trung tài chính, nhân lực vào các dự án phù hợp với năng lực của mình, có vốn và có tính khả thi cao. Đồng thời, doanh nghiệp chú trọng công tác tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp lớn có năng lực tài chính, có nhiều kinh nghiệm để giảm bớt những rủi ro cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một yếu tố để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn đó là luôn quan tâm đến người lao động, vì vậy các thành viên trong công ty luôn đoàn kết phấn đấu vì mục đích chung.
Ông Lê Xuân Hùng nói: “Do doanh nghiệp luôn quan tâm đến người lao động nên người lao động cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đề xuất nhiều cách làm hiệu quả cho ban lãnh đạo. Cán bộ công nhân viên của công ty luôn phấn đấu vì mục tiêu chung”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: năm 2013, mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhưng vẫn có trên 50.000 doanh nghiệp mới ra đời và số doanh nghiệp đang tạm thời ngừng hoạt động giải thể đã quay trở lại sản xuất kinh doanh là trên 10.000.
Những doanh nghiệp trụ vững được trong bối cảnh khó khăn cho thấy, đội ngũ doanh nhân có thêm một bước trưởng thành khi phải đương đầu với những khó khăn của nền kinh tế. Chất lượng đội ngũ doanh nghiệp được nâng cao hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên bức tranh chung của doanh nghiệp là vẫn khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới.
Năm 2014 vẫn là một năm khó khăn, vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, trụ vững vẫn là một yêu cầu rất là quan trọng đối với DN. "Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến các biện pháp để đẩy mạnh tự tái cấu trúc. Xác định lại vị thế của mình trên thị trường cũng như lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tập trung phát triển. Ngoài ra, DN phải cố gắng áp dụng các biện phát quản trị hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra sự sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Đây là những biện pháp giúp doanh nghiệp trụ vững trong thời gian tới" - ông Lộc nói.
Trong năm nay và những năm tiếp theo, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh, để vừa cho ra thị tường sản phẩm đạt chất lượng mà còn để có giá thành hợp lý đến được với nhiều tầng lớp người tiêu dùng. Đồng thời, doanh nhân cần tự tạo bản lĩnh, học tập, thích nghi, sáng tạo để vượt khó khăn, để ổn định phát triển./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN