Ngày Tết, các gia đình thường chuẩn bị chu đáo rất nhiều đồ ăn, thức uống như các loại thực phẩm, bánh, mứt, kẹo… nhưng cũng rất cần chuẩn bị một số thuốc cần thiết dự phòng khi có vấn đề về sức khỏe xảy ra trong những ngày này, đặc biệt là với những người mắc bệnh mạn tính…
Thuốc thông thường
Thuốc cảm sốt:
Cảm sốt là rối loạn thường gặp và thường do cảm cúm với các triệu chứng như sốt và đau nhức (nhức đầu, nhức mình mẩy, chân tay). Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nên dùng thuốc paracetamol. Đây là thuốc dùng tương đối an toàn hơn cả. Vì vậy, trong tủ thuốc gia đình không thể thiếu loại thuốc này. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, nhiều người chúc rượu, vì vậy cần lưu ý, việc uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì không được uống rượu.
Thuốc cần thiết dự phòng tại gia đình.
Ngoài ra, cũng có thể dùng các thuốc phối hợp như decolgen, tiffy, coldacmin… Đây là những thuốc thường phối hợp paracetamol với một chất kháng histamin (chống dị ứng) như clopheniramin hoặc/và chất co mạch… nhưng các thuốc này không sử dụng ở người bệnh tăng huyết áp (nếu như chứa chất co mạch) hoặc khi dùng cần nằm nghỉ tại nhà vì thuốc có thể gây buồn ngủ (đối với các thuốc có chứa kháng histamin).
Các thuốc về tiêu hóa:
Ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày của nhân dân ta bị thay đổi hẳn rất dễ xảy ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu (người bệnh cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày) hoặc bị tiêu chảy (do ăn phải thức ăn bảo quản không tốt)… Một số thuốc có thể phải chuẩn bị:
- Thuốc chống acid chứa magnesi: Được dùng để giảm đầy bụng do tăng axit, ợ nóng, khó tiêu và ợ chua (trào ngược dạ dày - thực quản) và còn dùng bổ trợ cho các biện pháp khác để giảm đau do loét dạ dày - tá tràng và để thúc đẩy liền loét. Ngoài ra, có thể dùng maalox, simelox, phosphalugel, gasvicon, pepsan…
- Thuốc giúp điều hoà sự co bóp dạ dày: Dùng khi sự co bóp dạ dày kém đưa đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm như thuốc domperidon…
- Men tiêu hóa: Nhằm giúp sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn như: neopeptine, festal, pancrélase, alipase… hoặc dùng thuốc làm lợi mật hoặc thông mật như sorbitol…
- Thuốc chống tiêu chảy: Khi bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, việc đầu tiên là cần pha 1 gói oresol vào trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội cho tan hết rồi uống để bù nước và điện giải, đồng thời tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra. Nếu thấy tình trạng tiêu chảy nặng, cần phải đi cấp cứu ngay, tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy như loperamid, sái thuốc phiện… vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập. Trong trường hợp không có sẵn oresol, có thể thay bằng nước cháo muối, hoặc đường muối (pha 1 thìa cà phê muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước) sẽ được dung dịch để uống khi bị tiêu chảy. Một số kháng sinh thường được dùng trong tiêu chảy cấp do vi khuẩn như co-trimoxazol (biseptol, bactrim), berberin…
Thuốc về hô hấp:
Vào dịp Tết, khí hậu miền Bắc nước ta thường lạnh và ẩm ướt, lại hay thay đổi đột ngột, trời đang nồm, bất chợt gió mùa đông bắc gây nên rét buốt làm rối loạn khả năng chống đỡ với bệnh tật, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Các triệu chứng như ngạt mũi, ho dễ xảy ra. Một số thuốc thường dùng để giảm ho như terpin, codein… Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi). Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.
Thuốc chuyên khoa
Đối với những người có bệnh mạn tính, ngoài việc có sẵn các thuốc thông thường trên, cần lưu ý về việc bổ sung số lượng thuốc cho đầy đủ với bệnh của mình. Các thuốc này đương nhiên đã được bác sĩ kê đơn và người bệnh cần tuân thủ dùng.
Những thuốc cần chuẩn bị trong dịp Tết
Thuốc huyết áp:
Các thuốc chống huyết áp thường dùng như nifedipin, amlodipin… có cơ chế là gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp, dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.
Cần dùng các thuốc chống huyết áp này vào 1 giờ nhất định. Thuốc được sử dụng trong 1 ngày nên phân chia thời gian dùng cho hợp lý. Nếu thuốc phải sử dụng 2 lần/ngày mà 8 giờ sáng uống 1 lần thì đến 8 giờ tối sẽ uống lần tiếp theo. Tránh phân chia thời gian uống thuốc theo bữa ăn.
Thuốc đái tháo đường:
Các thuốc thường dùng như metformin, sulfonylurea… Cần lưu ý, đái tháo đường là một bệnh mạn tính, việc dùng thuốc gắn với người bệnh như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Đừng vì bận rộn mấy ngày Tết mà quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng giờ, bởi nếu quên không uống thuốc dễ gây ra tai biến do đường huyết tăng cao, làm ảnh hưởng tới không khí vui xuân trong gia đình.
Để dùng thuốc an toàn trong dịp Tết, với các thuốc điều trị bệnh mạn tính, người bệnh cần tuân thủ đúng về số lần dùng và liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các thuốc thông thường (không cần phải kê đơn) trên, khi dùng, người bệnh cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ hay nhân viên y tế thôn bản và cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Dược sĩ Hà Thu Thủy
Theo suckhoedoisong.vn