Cập nhật: 27/01/2014 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mô hình cánh đồng lớn là đáp án đầy hy vọng cho bài toán liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. 

Những con đường nội đồng và liên thôn xóm được những người dân tích cực tự nguyện đóng góp ngày công để làm cho thuận lợi hơn khi sản xuất với mô hình cánh đồng lớn.

Ảnh: VGP/Đỗ Hương Bắt gặp chị Nguyễn Thị Đoàn, Cụm dân cư số 11, Thôn La Thiện, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội đang chăm sóc lúa ngoài đồng, tôi hỏi chị cảm nghĩ về việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chị hồ hởi đáp: “Mới có 1,2 năm làm nông thôn mới mà địa phương thay đổi hẳn. Chúng tôi mừng nhất là công tác dồn điền đổi thửa cô ạ”.

Dân mong ruộng rộng

Hỏi kỹ mới biết trước kia nhà chị Đoàn có 9 mảnh ruộng, mảnh đồng gần, mảnh đồng xa… đến vụ mùa cả nhà nhà phải “bở hơi tai” chạy đi chạy lại canh tác trên 9 mảnh khác nhau, thêm đó giao thông nội đồng toàn đường đất nên nhiều khi chỉ đi bộ mới đến được các mảnh ruộng, rất vất vả.

Từ đầu năm 2012, sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa nhà chị Đoàn đã đỡ vất vả trong việc canh tác và hiệu quả của trồng lúa được nâng cao. Chị Đoàn kể: “Nhà tôi có 4 sào ruộng, 9 mảnh đồng gần, đồng xa đến vất vả. Nhờ công tác dồn điền đổi thửa hiện nhà tôi còn 3 mảnh ruộng thôi, mà tôi còn muốn xuống chỉ còn 2 mảnh ấy, làm ruộng “thẳng cánh cò bay” đỡ bao nhiêu chi phí và năng suất hơn hẳn”.

Trước khi dồn điền đổi thửa, mỗi vụ nhà chị thường thu 1,4 tạ/ha nhưng nhờ “ghép ruộng lại gần nhau” vụ vừa rồi nhà chị đã thu được 2 tạ/ha. Gia đình chị rất phấn khởi đi tham gia lao động góp ngày công để làm đường bê tông cho giao thông nội đồng. “Làm đường bê tông nội đồng, việc đi lại giữa làng xóm không những thuận tiện, việc nước nôi đồng áng càng nhanh hơn, người dân rất ủng hộ!”, chị Đoàn nói

Ông Phương Văn Liểu, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết, nhờ nắm được ý nguyện của dân, xã Tản Hồng đã dồn điền đổi thửa được trên 110ha và huy động được hơn 30 nghìn m2 đất làm nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch nông thôn mới. Cùng với đó đã đã có gần 140 nghìn m2 để mở rộng, làm mới hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng… Và số ngày công đóng góp của nhân dân nếu quy ra tiền đã gần 1,7 tỷ đồng.

Hiệu quả với mọi địa phương

Câu chuyện tại xã Tản Hồng là một dẫn chứng điển hình cho thấy hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa tại các địa phương miền Bắc. Hiệu quả này còn rõ nét hơn tại các địa phương khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sau 2 năm triển khai thực hiện chủ trương của Bộ NNPTNT xây dựng cánh đồng mẫu lớn, từ 600ha ban đầu (năm 2012) triển khai tại Bình Định và Quảng Nam, đến nay toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã có 9.344ha, tăng gấp 15 lần. Trong đó, Bình Định và Quảng Nam là hai tỉnh đi đầu phong trào chiếm 85% diện tích toàn vùng. Cũng theo Cục Trồng trọt, mô hình cánh đồng lớn đã thực sự giải quyết được bài toán liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân trong vùng, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương cần vận dụng các chính sách thông qua chương trình nông thôn mới, chương trình khuyến nông... đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, thu mua, bao tiêu sản phẩm, cùng đồng hành để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Các địa phương cần đẩy mạnh chủ trương “dồn điền, đổi thửa” hình thành những vùng sản xuất lúa gạo với quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ thị trường.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành nông nghiệp Cần Thơ đã xác định ngay rằng không có xã nào không thể làm được cánh đồng lớn. Sau 2 năm thực hiện cánh đồng lớn, riêng về hiệu quả kinh tế, không có cánh đồng nào mà không cho lợi nhuận cao hơn so với những ruộng bên ngoài”.

Trong năm 2014, các tỉnh ĐBSCL sẽ chuyển sang giai đoạn 2 của mô hình cánh đồng lớn là xây dựng vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu. Vùng nguyên liệu phải được đầu tư hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa; có quy mô diện tích tùy theo tình hình thực tế của việc ký kết, thu mua của các doanh nghiệp xuất khẩu; sản xuất theo đơn đặt hàng tiêu chuẩn VietGAP...

Sức hút với doanh nghiệp

Tại hội nghị tổng kết sản xuất, trồng trọt 2013, triển khai kế hoạch 2014 và tái cơ cấu ngành trồng trọt Nam Bộ được tổ chức đầu tháng 1/2014 này tại Tiền Giang, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Cục Trồng trọt và Sở NNPTNT các tỉnh, TP ở ĐBSCL đã cam kết cùng thực hiện việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa cho xuất khẩu.

Trong đó, VFA đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, cung ứng vật tư đầu vào; đặt hàng nông dân trong vùng nguyên liệu sản xuất với 1-2 giống lúa chủ lực; cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường; tổ chức lại hệ thống thương lái tham gia mua lúa vùng nguyên liệu... Cục Trồng trọt chỉ đạo, kiểm tra các quy trình, định hướng sản xuất, phối hợp với VFA và các Sở NNPTNT xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu.

Các Sở NNPTNT sẽ đề xuất quy hoạch, xác định vùng nguyên liệu; tổ chức liên kết nông dân, phát triển các hình thức hợp tác; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng KHKT; kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV; xác định các giống lúa và khả năng cung ứng trong vùng nguyên liệu; giám sát thực hiện hợp đồng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia thực hiện liên kết sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhận định, cánh đồng lớn là cơ hội để đồng bộ các tiến bộ kinh tế, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ông Doanh cũng chỉ đạo: “Trong sản xuất lúa năm 2014, cần tiếp tục kiên quyết giảm sử dụng giống lúa chất lượng thấp, để bớt khó khăn trong việc tiêu thụ. Trồng lúa ở ĐBSCL vẫn còn sử dụng trên 100 giống, có những tỉnh tới trên 40 giống, vậy là quá nhiều và khó đảm bảo đươc chất lượng gạo xuất khẩu. Bởi vậy, Viện Lúa ĐBSCL cần phải phối hợp với các tỉnh sắp xếp lại cơ cấu giống theo hướng tỉnh nào dùng những bộ giống gì, mỗi địa phương chỉ nên có 3-5 giống chủ lực”.

Một tin vui cho việc phát triển cánh đồng lớn là ngày 17/1, tại TPHCM, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã tài trợ 70 triệu USD cho Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS), doanh nghiệp đi đầu trong việc liên kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn. Khoản vay này sẽ giúp AGPPS đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn để phát triển mô hình cánh đồng lớn tại khu vực ĐBSCL.

Mô hình cánh đồng lớn của AGPPS là một chuỗi sản xuất lúa tích hợp đã triển khai được hơn 3 năm. Theo mô hình này, AGPPS đứng ra thu mua lúa của những hộ nông dân sử dụng sản phẩm của công ty đồng thời cử đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của mình xuống hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo không ngừng được cải thiện, lợi nhuận thu về lớn hơn và loại trừ sự thất thoát qua các khâu trung gian.

Cánh đồng lớn đang được kỳ vọng là hình ảnh đại diện mới cho nền nông nghiệp Việt. Nền nông nghiệp rộng lớn, được liên kết bền chặt và cho ra đời nông sản chất lượng vàng, chắt lọc từ những giá trị của sự chuyên nghiệp trong toàn chuỗi sản xuất.

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm