Bất chấp cái lạnh thấu xương của rừng già, hàng trăm người vẫn hối hả luồn rừng hái lá dong, tranh thủ kiếm chút tiền sắm Tết.
Anh Trần Văn Tú, một thương lái từ thị xã An Khê đang cẩn thận buộc lái bó lá dong để chuẩn bị chở về phố
Những ngày này ở Tây Nguyên khác hẳn mọi năm, Tết cận kề mà trời vẫn rét căm. Đã quá trưa nhưng cung đường Trường Sơn Đông, xuyên qua những cánh rừng già Kbang (Gia Lai) vẫn chìm trong mây mù. Tuy vậy, bất chấp cái lạnh thấu xương của rừng già, hàng trăm người vẫn hối hả luồn rừng, gom góp từng chiếc lá dong, tranh thủ kiếm chút tiền sắm Tết.
Luồn rừng tìm lá dong
Ông Jăm, dân tộc Ba Na, ở làng Điện Biên, xã Sơn Lang vác trên vai một thiên lá dong rừng, khệnh khạng bước từ con đường mòn trong rừng ra đường cái (một thiên lá là 1.000 lá được bó thành 10 bó nhỏ, mỗi bó nhỏ có 100 lá). Theo sau lưng là vợ ông – bà H’Lai cũng vác một thiên nữa, tiếp đó là hai đứa con mới 12 và 14 tuổi bám sát lưng mẹ.
Lấy vạt áo lau mồ hôi đẫm trên trán, ông Jăm cho hay, năm nay lấy lá dong rừng rất khổ vì rừng vẫn còn ẩm ướt nên rất nhiều vắt. Hai ống quần ông, máu từ những chỗ con vắt cắn vẫn chưa kịp khô, pha với bùn đất. Lấy “lộc rừng” không dễ dàng chút nào nhưng ông Jăm vẫn mừng vì gặp may.
“Hôm nay mình may mắn nên gặp mấy bụi dong lớn, lấy nhanh hơn mấy ngày trước. Mới hơn nửa ngày đã được hai thiên. Mai lại quay vào chỗ này, chắc cũng phải được hai thiên nữa” - ông Jăm nói. Với giá thời điểm này là 150.000 đồng/thiên, ngày hôm nay gia đình ông Jăm kiếm được 300.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến (thôn 5, xã Sơn Lang), gần Tết năm nào cũng vậy, rất nhiều người bản địa và nhập cư ở các làng của xã Sơn Lang, Đăk Roong, Kroong vào rừng cắt lá dong về bán để kiếm thêm chút tiền sắm đồ Tết.
Theo kinh nghiệm đi lấy lá dong rừng lâu năm của ông, dong rừng thường mọc từng bụi bên bờ suối hay những vùng đầm lầy. Do đó, phải men theo những nơi ẩm ướt, sình lầy mới tìm được. Tuy nhiên, khổ nhất là những chỗ nhiều lá dong thì thường rất nhiều vắt.
Khi đi cắt lá dong, ngoài thông thạo rừng còn phải có kinh nghiệm. Người cắt lá dong rừng cần phải có một con dao sắc bén, cắt nhanh nhưng không để lá bị rách và không cắt những lá quá non hoặc quá già. Cắt xong phải xếp lá thật khéo để buộc thành từng bó nhỏ, mỗi bó nhỏ có 100 lá, làm sao để bó nhỏ nhất, dễ vác nhất. Cuối cùng phải lấy lá giềng rừng bọc ra bên ngoài để giữ lá dong không bị rách, bị héo. Bó không khéo sẽ rất cồng kềnh, mang được ra khỏi rừng cũng bị rách hết.
Dong rừng về phố
Tranh thủ những ngày gần Tết, rất nhiều lái buôn vào các xã Sơn Lang, Đăk Roong, Kroong để mua lá dong rừng từ bà con địa phương chở về phố thị bán. Trên cung đường Trường Sơn Đông rộng thênh, một người phụ nữ với xe lá dong trĩu nặng đứng nghỉ bên lề đường. Chiếc xe cũ kỹ vẫn để máy nổ xình xịch vì hư đề, cũng không thể đạp nổ do vướng hai sọt lá cồng kềnh chở 4 thiên lá dong rừng hai bên xe.
Hỏi mãi chị mới nói tên là Trần Thị Hồng, ở xã Cửu An, thị xã An Khê vào Sơn Lang mua lá dong về bán lại kiếm ít đồng lời tiêu Tết. Chị Hồng mua của bà con với giá 150.000 đồng - 170.000 đồng/thiên, chở ra tới thị xã An Khê bán với giá 250.000 đồng - 300.000 đồng/thiên.
Thế nhưng, chị Hồng chỉ là lái buôn nhỏ lẻ. Theo một số thương lái khác, vùng rừng ở Sơn Lang là nơi có nhiều dong rừng nhất. Vì thế, họ chọn đây làm nơi tập kết trước khi đưa dong rừng xuống phố.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng là thương lái ở thị xã An Khê, chuyên đi thu mua lá dong rừng mỗi độ Tết về. Anh thường phải lặn lội vào Sơn Lang, Đăk Roong, đi từng làng để thu mua lá dong. “Từ đầu tháng 12 âm lịch, vợ chồng tôi đã phải vào đây để thu gom lá. Năm nay tôi mua được khoảng 150 thiên, đủ để đánh xe tải chở về Pleiku bán” - Anh Hùng chia sẻ.
Mặc dù mua tận gốc chỉ có giá từ 150.000 đồng- 200.000 đồng/thiên, đưa lên phố bán được khoảng 350.000 đồng - 400.000 đồng/thiên, tuy nhiên, chi phí cho mỗi thiên lá cũng không hề nhỏ, vì phải đi từng làng, từng nhà, mất nhiều công sức.
Anh Hùng cho biết, thương lái rất thích lá dong của vùng Sơn Lang, Đăk Roong bởi lá xanh, to. “Gói bánh chưng từ những chiếc lá dong vùng rừng này, chiếc bánh dường như xanh hơn, thơm hơn”.
Hì hụi buộc lại từng thiên lá dong vừa thu mua được của những người đi rừng, anh Trần Văn Tú, một thương lái từ thị xã An Khê vào ở làng Điện Biên, xã Sơn Lang tập kết lá dong rừng, cho hay: “Đây là năm đầu tiên tôi thu mua lá dong để đưa về phố. Chưa biết năm nay giá cả thế nào, mới chỉ dám mua khoảng 50 thiên lá đánh chuyến hàng đầu tiên. Nếu năm nay có lời, năm sau tôi sẽ tiếp tục vào vùng này tập kết lá. Vùng này nhiều lá dong rừng lắm”.
Từng thiên lá dong theo những người dân địa phương rời khỏi rừng, theo những thương lái về phố khiến ngày cuối năm ở huyện nghèo Kbang càng thêm hối hả. Đó là cuộc mưu sinh, nhưng trên hết, hình ảnh những bó lá dong xuôi ngược trên đường khiến con người phấn chấn, nhắc nhở Tết đã cận kề./.
Theo Công Bắc/VOV.VN