Tổ tiên xa xôi của họ hàng nhà ngựa hoàn toàn giống con ngựa ngày nay. Nó chỉ lớn bằng con cáo chân ngắn, chân trước có bốn ngón, chân sau ba ngón, mỗi ngón đều có móng nhỏ, khi đi, đứng, các ngón đều chạm đất, còn chân ngựa hiện nay thì vừa cao, vừa chỉ có một ngón, nhưng lớn và khác.
Mặt răng hàm của tổ tiên ngựa có những mấu tròn giống với những mấu của răng hàm lợn, khác hẳn răng hàm của lợn hiện nay.
Với tầm vóc nhỏ như con cáo, tổ tiên của ngựa dễ dàng ẩn náu trong các lùm cây, bụi cỏ trong những vùng đầm lầy Bắc Mỹ. Khi gặp nguy hiểm chúng có thể dễ dàng lẩn trốn khỏi nanh vuốt kẻ thù.
Cách chúng ta khoảng 30 triệu năm trên mảnh đất châu Mỹ, tổ tiên xa xôi của loài ngựa đã hoàn toàn bị tiêu diệt, song con cháu của chúng đã di cư sang châu Á.
Cách chúng ta khoảng 20 triệu năm, trên Trái Đất, khí hậu ẩm ướt đã nhường chỗ cho khí hậu khô ráo và các khu rừng ẩm ướt đã thu hẹp lại nhường chỗ cho những thảo nguyên rộng bạt ngàn.
Ngựa cổ khi đó phải làm quen với chế độ ăn những thân cỏ cứng rắn. Vó ngựa phải tung hoành trên nền đất khô cứng, còn mặt răng hàm ngựa mòn đi làm thành những bàn nghiền cỏ với những nếp men cứng rắn.
Ba ngón chân ngựa biến đổi dần dần để tạo thành một, song to và khỏe như ngón chân ngựa hiện nay, thích nghi với sự chạy trên nền đất khô cứng của thảo nguyên. Tầm vóc to cao của ngựa khi đó rất có lợi cho việc phát hiện kẻ thù từ xa để chúng kịp thời ứng phó.
Cách đây trên một triệu năm là thời đại của ngựa. Từng đàn ngựa nhởn nhơ trên đồng cỏ. Tuy loài người khi đó chưa biết thuần hóa ngựa, song ngựa là con vật săn của người nguyên thủy.
Những mảnh xương ngựa đào được trong hang động của người nguyên thủy, những hình vẽ con ngựa còn đậm nét trên vách hang động của họ, những bức tượng ngựa được đẽo gọt tinh xảo vẫn còn lại trong kho tàng văn hóa của nhân loại đã chứng minh cho điều đó.
Thuần hóa ngựa
Ngựa Mông Cổ trên thảo nguyên. (Nguồn: asia-insider-photos.com)
Ngựa hoang Mông Cổ hiện chỉ còn sống ở Tây Bắc Trung Quốc và miền nam Mông Cổ, được coi là tổ tiên của nhiều giống ngựa phương Đông.
Ngựa hoang Mông Cổ khác với ngựa nhà ở chỗ thân chúng nhỏ hơn (cao độ 1,3m), đầu cổ to và thiếu túm lông ở chân và trán.
Hội nghị quốc tế họp lần thứ hai về vấn đề bảo vệ ngựa hoang ở Berlin năm 1965 xác định chỉ còn khoảng 15 ngựa hoang sống tự do ở vùng biên giới Trung Quốc, Mông Cổ và 125 con nuôi trong các công viên trên thế giới.
Theo cuốn sách về các giống ngựa xuất bản hàng năm ở Prague, đến ngày 1/1/1971 trên toàn thế giới có 182 con ngựa hoang Mông Cổ được nuôi tại các khu dự trữ thiên nhiên hoặc các công viên trên thế giới.
Trong số đó, có 41 con được nuôi tại Tiệp Khắc, 36 con ở Mỹ, 23 con ở Đức, 18 con ở Hà Lan, 11 con ở Liên Xô (cũ), còn lại 2 đến 6 con được nuôi ở một vài nước khác.
Có lẽ ngựa nhà được thuần hóa khoảng từ 3.000-3.500 năm trước đây ở nhiều nơi trên thế giới. Trung tâm thuần hóa ngựa phương Đông là cổ nhất với giống ngựa thon, mảnh, nhẹ nhàng và chạy nhanh.
Tiếp đó là trung tâm Bắc Á và châu Âu, gần đây nhất là trung tâm Tây Âu, với giống ngựa to lớn, nặng nề, guốc rộng, chỉ dùng để vận tải, kéo cày.
Cho đến nay, loài người đã lai tạo được trên 100 giống ngựa. Giống ngựa Việt Nam có lẽ được nhập từ phương Bắc xuống. Ngựa Việt Nam có tầm vóc nhỏ, (bề cao vai khoảng 1,2m), chân nhỏ song chúng dai sức hơn các giống ngựa nước ngoài.
Hồi đầu thế kỷ này nước ta có nhập giống ngựa Arập và cho lai với ngựa ta. Giống lai rất tốt được lai giống tại trại Nước Hai (Cao Bằng). Giống này cao hơn ngựa ta và chạy nhanh hơn./.
(PV TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/nam-ngo-ke-chuyen-thuan-hoa-to-tien-loai-ngua/241086.vnp