Cập nhật: 02/02/2014 11:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lần đầu tiên, Chính phủ Syria, phe đối lập và các cường quốc hàng đầu thế giới chịu ngồi lại với nhau tại Hội nghị Geneva 2.

Các bên tham gia Hội nghị Geneva 2 về Syria đều chỉ "chăm chăm" vào mục tiêu của mình (Ảnh RT)

Hai bên bảo trợ muốn chấm dứt bạo lực

Sự đồng thuận Nga–Mỹ về vấn đề giải giáp vũ khí hóa học của Syria hồi cuối năm ngoái là bước đột phá có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện bước chuyển mới về tư duy an ninh đối ngoại của cả hai bên, mở ra triển vọng giải quyết những vấn đề liên quan đến tháo gỡ các ngòi nổ tại khu vực Trung Đông–Bắc Phi đầy bất ổn này.

Hiệu ứng của sự đồng thuận Nga–Mỹ tiếp tục được thể hiện ở việc ở thỏa thuận đạt được đối với vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, và giờ đây tại Geneva 2 về Syria. 

Nga bên bảo trợ cho Chính phủ Syria, Mỹ và phương Tây bảo trợ cho phe đối lập, nhưng đến nay cả Washington và Moscow đều cùng chia sẻ sự quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang ngày càng nghiêm trọng.

Trước khi Hội nghị Geneva 2 khai mạc ngày 21/1 đã diễn ra hai cuộc gặp Nga–Mỹ giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Barack Obama trên điện đàm và giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Montreux. Giới phân tích nhận xét, đó là các cuộc nói chuyện rất “thực tế và xây dựng”.

Trả lời báo giới, qua một nguồn tin từ Hội nghị cho rằng: “Thật khó để có thể đặt nhiều hy vọng cho Hội nghị này. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington đều thực sự mong muốn chấm dứt tình trạng xung đột hiện nay ở Syria”.

Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi hy vọng đàm phán có thể mang lại ít nhất là 1 số biện pháp cứu trợ cho thường dân Syria, cải thiện các nguồn viện trợ và thiết lập cơ chế trao đổi tù binh…

Tuy nhiên, trên thực tế phái đoàn đại diện Chính phủ của ông Assad đã nhấn mạnh, ngày càng có những dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy có nhiều phần tử của al-Qaeda đang chiến đấu trong hàng ngũ của phe nổi dậy  được phương Tây và các quốc gia Arab bảo trợ.

Hai phe nội chiến chưa thể giải hòa

Mấy ngày đàm phán diễn ra, nhưng đã không đưa lại kết quả nào, do các bên liên quan không thể tìm được tiếng nói chung. Cả ba mục tiêu: ngừng bắn, một Chính phủ chuyển tiếp và đưa hàng cứu trợ vào các vùng giao tranh đều không đạt được, ngoại trừ hai bên đã chịu ngồi cùng phòng với nhau.

Phe đối lập ra sức tố cáo Chính phủ Syria ngược đãi, tra tấn tù nhân, đòi ông Assad phải từ chức và đối mặt với một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Ngược lại, Chính phủ của ông Assad lại tố cáo và đưa ra bằng chứng rằng, trong phe đối lập có “những kẻ khủng bố”, nên chủ đề cần bàn ngay là chống khủng bố.

Cùng với những đòi hỏi mang tính điều kiện cho cuộc đàm phán tại hội nghị, sự thay đổi vào phút chót của Liên Hợp Quốc rút lại lời mời Iran - đồng minh chính của Syria càng phản ánh rõ hơn sự chia rẽ phe phái giữa những người Hồi giáo Arab dòng Sunni và Shiite trong khu vực Trung Đông.

Ông Walid al-Moualem, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria, đã thẳng thừng bác bỏ bất cứ cuộc thảo luận nào về tương lai của ông Assad.

“Chủ đề Tổng thống và chế độ là giới hạn đỏ của chúng tôi cũng như người dân Syria và vấn đề này sẽ không được đề cập tới”. Vì thế, việc tìm ra một nội dung bàn thảo thỏa mãn cả hai bên hiện vẫn là một triển vọng xa vời”, ông Moualem tuyên bố.

Bạo lực tiếp tục gia tăng

Do các bên tại Syria đã không tìm được chủ đề chung nên Hội nghị đã kết thúc mà không mang lại kết quả nào. Trong quá trình Hội nghị, ông Brahimi đã buộc phải chấp nhận có “bước lùi” do phe đối lập kiên quyết bác bỏ dự thảo tuyên bố của đoàn đàm phán Chính phủ, trong đó cáo buộc Mỹ quyết định tái vũ trang cho các nhóm khủng bố ở Syria.

Có tin Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu kín chấp thuận tài trợ tái cấp vũ khí cho phe đối lập Syria cho tới hết tài khóa 2014, kết thúc vào ngày 30/9 tới. Mỹ sẽ cấp một cơ số vũ khí hạng nhẹ cho các nhóm đối lập ôn hòa ở miền Nam Syria.

Trong khi đang diễn ra Hội nghị Geneva 2, thì cuộc nội chiến Syria vẫn gia tăng bạo lực. Ngày 29/1, quân Chính phủ Syria đã giành được một số khu vực tại Aleppo trong bối cảnh phe nổi dậy phải chống lại các chiến binh thánh chiến.

Kể từ ngày 15/12 năm ngoái, Aleppo đã trở thành mục tiêu của các cuộc không kích của quân Chính phủ trong khi đó ở các vùng nông thôn miền Bắc Aleppo, phe nổi dậy tiếp tục cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo thánh chiến Iraq và vùng Cận Đông. Giao tranh ác liệt giữa phe nổi dậy với nhóm chiến binh thánh chiến đã kéo dài 3 tháng, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.

Như vậy, Gieneva 2 đã kết thúc sau 10 ngày họp. Ông  Walid Muallem, ngoại trưởng Syria tuyên bố: “Các cuộc đàm phán ở Geneva không đạt được kết quả nào đáng kể, chính quyền Syria sẽ cân nhắc xem có tiếp tục ngồi lại vào bàn đàm phán hay không”. Còn lãnh đạo phe đối lập Syria Ahmad Jarba lại khẳng định phe đối lập sẽ tiếp tục có mặt trong Hội nghị tới”.

Điều phối viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi tuyên bố “Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu tổ chức phiên đàm phán thứ hai từ ngày 10/2 tới”, khiến dư luận lại tiếp tục kỳ vọng vào cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tuần tới.

Theo Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Tệp đính kèm