Cập nhật: 15/02/2014 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cho đến nay, Bộ  GD-ĐT nhận được 3 luồng ý kiến về việc đổi mới thi, xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Sau năm 2015, có thể tổ chức 1 kỳ thi, 1 bài thi quốc gia

Ý kiến thứ nhất là thayđổi điểm sàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết các trường ĐH, CĐ cho rằng, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục giữ nguyên phương án 3 chung (chung ngày thi, chung đề, chung kết quả xét tuyển). Tuy nhiên, Bộ cũng nhận được nhiều ý kiến từ trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, Bộ nên đưa ra những tiêu chí cụ thể để thay thế điểm sàn. Một số trường đề xuất những ngưỡng tối thiểu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét thí sinh vào ĐH, CĐ.

Ý kiến thứ 2 góp ý là từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn cho thí sinh đăng ký nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào một trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, phương án này bất cập ở chỗ, nhiều thí sinh đạt 27-28 điểm vẫn có nguy cơ không đỗ ĐH (ví dụ như đăng ký vào ĐH Y Hà Nội).

Ý kiến thứ 3 nêu ra là Bộ nên nhanh chóng tiến tới tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung. Trong đó lấy kết quả quá trình học THPT và kỳ thi tốt nghiệp làm căn cứ để xét tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Trước 3 luồng ý kiến đóng góp như trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2013, Bộ GD-ĐT đã có sự thay đổi điểm sàn dựa trên phổ điểm các môn thi thay vì xác định trên tổng quy mô, chỉ tiêu. Tuy nhiên, những tiêu chí cụ thể để thay thế điểm sàn sẽ phải được trưng cầu ý kiến rộng rãi của đông đảo dư luận xã hội. Việc làm này nhằm đảm bảo ngưỡng chất lượng thí sinh được tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện nay, việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa tốt kèm theo tỷ lệ tốt nghiệp THPT chưa thực chất nên ngành giáo dục nếu không có sự sàng lọc kỹ càng thì chất lượng thí sinh “đầu vào” các trường ĐH, CĐ khó đảm bảo chất lượng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ cũng như Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất những tiêu chí, giải pháp cụ thể, hợp lý để chọn lựa được những sinh viên có chất lượng vào trường.

Để giảm thiểu rủi ro đối với thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH, Bộ cũng sẽ trưng cầu ý kiến đóng góp của dư luận xã hội là đối với phương án cho thí sinh dự thi trước rồi mới xét tuyển theo nguyện vọng của thí sinh khi đã có kết quả thi ĐH, CĐ.

Đề thi quốc gia chung sẽ gồm những kiến thức tổng hợp

Đối với đề xuất tổ chức 1 kỳ thi quốc gia đang là một trong những lộ trình đổi mới thi cử theo như Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, nếu chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để hầu hết học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sẽ đánh giá năng lực thật sự của học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Hướng tới đề thi (chỉ có một bài thi) và cách thức tổ chức tương tự như thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS…); kỳ thi (SAT) ở Mỹ- một trong những kỳ thi chuẩn hóa (mỗi đợt thi đều có dạng thức đề thi giống nhau) cho việc đăng ký vào một số ĐH tại Mỹ với những kỹ năng kiểm tra độ thông minh và kỹ năng đọc, hiểu, viết. Đề thi dạng này có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một đề thi chung với các phần thi là kiến thức các môn học.

Một số năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF… rồi quy đổi điểm sang hệ của Việt Nam).

Đề thi, thang điểm được thiết kế sao cho các trường, các ngành có thể lấy làm thước đo để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các trường, ngành đặc thù có thể đưa ra các tiêu chí phụ khác hoặc tổ chức thi thêm để tuyển sinh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT rất mong nhận được những ý kiến đóng góp đối với việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung và 1 đề thi chung cũng như những phương án đổi mới thi và xét tuyển ĐH, CĐ./.

Theo Lê Hiếu/VOV.VN

Tệp đính kèm