Trong hai tháng 1 và 2/2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện ba đợt xả nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014 ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Điều tiết các hồ chứa nước thủy điện phục vụ nông nghiệp. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
EVN cho biết gần 5,8 tỷ m3 nước đã được xả qua cả ba đợt; trong đó từ hồ Hòa Bình là 3,86 tỷ m3, từ hồ Tuyên Quang là 1,17 tỷ m3 và từ hồ Thác Bà là 0,74 tỷ m3.
Kết thúc ba đợt xả nước phục vụ vụ Đông Xuân 2013-2014, mức nước hồ thủy điện Hòa Bình giảm 15,09m, hồ Thác Bà giảm 3,05m và hồ Tuyên Quang giảm 11,3m. Mức nước tại Hà Nội trong thời gian lấy nước luôn đạt mức cao từ 2,2-2,6 m.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 15 giờ ngày 14/2, diện tích đất có nước là hơn 609.300ha, chiếm gần 96% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các địa phương đã hoàn thành kế hoạch lấy nước gồm Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên và Hải Dương. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sớm hoàn thành kế hoạch trong ngày tới. Còn lại tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng nguồn nước bơm từ các trạm bơm dã chiến để cấp nước đủ cho các diện tích còn chưa hoàn thành kế hoạch.
Đánh giá của EVN cũng cho thấy sau ba đợt xả, về cơ bản các địa phương đã lấy đủ nước, phần diện tích chưa có nước đều không phụ thuộc vào xả nước của hồ thủy điện hoặc đã có phương án giải quyết. Trong năm năm gần đây, tổng lượng nước xả phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm nay ở các địa phương khu vực Đồng bằng Bắc Bộ là lớn nhất với thời gian xả nước nhiều nhất.
Nguyên nhân là do các con triều năm nay thấp, thời gian bắt đầu xả các đợt hầu hết phải tiến hành xả từ cuối con triều trước. Trước các đợt xả, mức nước tại Hà Nội rất thấp, thời điểm bắt đầu xả nước đợt hai chỉ cách thời điểm kết thúc lấy nước đợt một khoảng ba ngày, nhưng ngay sau khi ngừng xả nước từ các hồ thủy điện, mức nước tại Hà Nội xuống chỉ còn 0.24m, đây là mức nước thấp nhất trong năm 2013-2014. Mặt khác, do biến đổi của lòng sông nên thời gian xả nước phải tiến hành trước ba ngày và chỉ kết thúc trước một ngày mới đảm bảo yêu cầu.
Bên cạnh đó, do thời tiết khô hanh vào khoảng thời gian trước xả nước đợt một nên diện tích có nước trước xả nước đợt một rất thấp (8,7% so với 26,8% năm 2013). Theo đó, kết quả lấy nước sau mỗi đợt xả năm 2014 đều thấp hơn năm 2013 mặc dù lưu lượng xả trung bình của các hồ thủy điện cao hơn năm 2013.
Trong thời gian lấy nước của các đợt xả, EVN đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc cung cấp thông tin điều hành xả nước, tập trung lấy nước, tuyên truyền thúc đẩy nhanh tiến độ lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với EVN thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác lấy nước tại một số địa phương. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, EVN đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thay đổi chế độ xả nước từ các nhà máy thủy điện phù hợp với mực nước hạ lưu. Các đơn vị điện lực địa phương đã đảm bảo cung ứng điện liên tục, ổn định cho các trạm bơm, kể cả các trạm bơm dã chiến./.
MAI PHƯƠNG (TTXVN)
http://www.vietnamplus.vn/xa-gan-58-ty-m3-nuoc-cho-nong-nghiep-vu-dong-xuan/244173.vnp