Cập nhật: 18/02/2014 10:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, bắt đầu từ năm 2014, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tỉnh Đồng Tháp thông quan và đưa vào thực hiện.

Sản xuất hoa lan giống công nghệ cao tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Đề án có mục tiêu tổng thể là xác định những luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất mô hình tăng trưởng nông nghiệp tạo ra tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững cho ngành nông nghiệp; đồng thời giúp tỉnh định hướng phân bổ lại lực lượng lao động nông thôn nhằm tạo đủ việc làm, hiệu quả và vững bền cho địa phương đến năm 2020 và hướng tới tầm nhìn 2030.

Với mục tiêu này, Đề án tập trung đánh giá lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực ở Đồng Tháp. Trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành hàng: Lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và hoa kiểng; nội dung về tái cơ cấu lao động, việc làm, nhất là đối với lực lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn cũng được đề cập và phân tích về tiềm năng và giải pháp rút lao động ra khỏi nông thôn.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, yếu tố liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ và vai trò của doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã là mấu chốt để thực hiện hiệu quả Đề án; tình trạng “mua mù, bán mù” sẽ được khắc phục.

“Mục tiêu của Đề án là làm sao để người sản xuất khi đã xuống giống phải biết chắc doanh nghiệp nào sẽ bao tiêu sản phẩm. Khi người dân đã được định hướng của doanh nghiệp sẽ biết tổ chức trồng ra sao, trồng bao nhiêu. Trong thời gian qua vẫn có sự áp đặt người nông dân phải trồng cây này, cây kia, nhưng chính điều này phải do doanh nghiệp đặt hàng, chính quyền không được chủ quan, xem thường yếu tố thị trường. Điều này cho thấy sức ỳ rất lớn trong điều hành, kể cả trong cơ quan nhà nước về quản lý quy hoạch nông nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh./.

Theo Thanh Tùng/VOV.VN

Tệp đính kèm