Quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa được khẳng định tại hội nghị ngày 18/2, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và hai Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế.
Ảnh minh họa
Hàng loạt chỉ đạo dứt khoát đã được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị về triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu donha nghiệp Nhà nước (DNNN), coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu giảm mạnh số DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối; giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hằng tháng giao ban về lĩnh vực này để tháo gỡ ngay các vướng mắc…
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành một loạt văn bản về vấn đề này, như Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013-2015; Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN đến năm 2015 và Quyết định của Thủ tướng về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN...
Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ đã đồng tình với cách nhìn nhận cổ phần hóa là “lối thoát duy nhất” cho những vấn đề của DNNN hiện nay, mặc dù những thành tựu và đóng góp của khối DN này đã được thực tế chứng minh là không thể phủ nhận.
Tất nhiên, quá trình cổ phần hóa không phải chỉ có những thuận lợi, mặc dù đã có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Một điểm đáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu phải giảm mạnh hơn số DN 100% vốn Nhà nước và giảm mạnh số DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Điều này rất quan trọng bởi thực tế, có tình trạng DNNN đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, như Thủ tướng chỉ ra là “cổ phần hóa vài phần trăm thì cổ phần làm gì”?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “rề rà”, “chần chừ” cổ phần hóa nói chung và tâm lý vẫn muốn Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ ra là “những ông Chủ tịch, Tổng Giám đốc sợ sẽ mất chức”, bởi cổ đông sẽ quyết định 2 vị trí này căn cứ vào năng lực lãnh đạo chứ không phải đại diện cổ phần chi phối.
Nói rộng hơn, có thể tóm lược những trở lực của quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN trong mấy từ: “Không vì lợi ích chung”. Nói khác đi, việc đẩy mạnh cổ phần hóa sẽ đụng chạm đến lợi ích của một nhóm thiểu số, nhưng có lợi cho nền kinh tế, cho đất nước nói chung.
Mặt khác, việc cổ phần hóa phải đảm bảo yêu cầu không thất thoát tài sản Nhà nước. Việc cổ phần hóa tràn lan, ồ ạt, không kiểm soát tại các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu (cũ) đã đem đến cho chúng ta những bài học đáng giá; khi tài sản Nhà nước được định giá rẻ mạt và trở thành sở hữu tư nhân, giúp một số người giàu lên một cách bất thường. Không thể vin vào lý do “bảo toàn vốn Nhà nước” để chậm trễ cổ phần hóa nhưng cũng không thể lơi lỏng kiểm soát để thất thoát của công.
Trước Hội nghị vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu năm 2014, Chính phủ đã nhiều lần cam kết sẽ quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Trong Thông điệp đầu năm mới 2014 dành rất nhiều sự quan tâm cho tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế.
Nhưng ý nghĩa của cổ phần hóa không chỉ là “lối thoát duy nhất” cho những vấn đề của DNNN. Cổ phần hóa DNNN được Chính phủ đặt trong một tổng thể hàng loạt những giải pháp nhằm tạo đột phá về thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững.
Đó là Nhà nước làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền DN cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh; DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước…
“Cổ phần hóa là con đường phải làm, chỉ cần quyết tâm và trách nhiệm”, Thủ tướng đã bày tỏ những lời tâm huyết trước lãnh đạo các DN, bộ, ngành, địa phương.
Quyết tâm của Chính phủ đã rõ, trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan cũng sẽ được chỉ rõ.
Sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 24/12/2013, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải ngày 9/1/2014, Thủ tướng đã lần thứ 3 nhắc nhở rằng ai chần chừ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thì “mời làm việc khác”, thay thế, cách chức.
Tinh thần quyết liệt ấy phải được thấm nhuần với trách nhiệm cao nhất, trước hết là từ các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh, thành phố.
Theo Chinhphu.vn