EU luôn chần chừ và ngần ngại can dự một cách trực tiếp và nhiệt tình vào điểm nóng này.
Binh sỹ Nga trên bán đảo Crimea
Trong khi diễn biến cuộc khủng hoảng tại Ukraine thay đổi từng giờ thì các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải đợi hết 2 ngày nghỉ cuối tuần mới có thể họp bàn khẩn cẩn. Dư luận đang hướng sự chú ý vào cuộc họp khẩn cấp ngày hôm nay tại Brussels của Liên minh châu Âu về vấn đề này.
Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hôm nay (3/3) sẽ cuộc họp khẩn cấp tại Brussels để đưa ra quyết sách cho cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang nguy hiểm tại Ukraine.
Nhưng, như bình luận của một bài báo trên tờ Thế giới (Le Monde -Pháp) thì việc các nhà lãnh đạo EU dùng từ “khẩn cấp” cho cuộc họp này thật sự là mang ý nghĩa châm biếm bởi “khẩn cấp” gì mà phải đợi hết 2 ngày nghỉ cuối tuần mới họp lại với nhau trong khi tình hình ở Ukraine đang leo thang ngày một căng thẳng sau tuyên bố của Nga đưa quân vào Ukraine.
EU phản ứng chậm chạp trước việc ông Putin đưa quân vào Crimea
Thực tế đó không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine từ 3 tháng trước, EU luôn chần chừ và ngần ngại can dự một cách trực tiếp và nhiệt tình vào điểm nóng này. Đỉnh điểm của sự do dự này là việc trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Victoria Nuland đã phải bực mình văng tục khi nói về EU trong một cuộc điện đàm cách đây vài tuần với Đại sứ Mỹ tại Ukraine.
Ủy viên châu Âu người Pháp Corinne Lepage nhận định “Bản chất là vì chúng ta (EU) không phải là một lực lượng chính trị đáng kể”. Nhận định đó cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia và quan chức châu Âu, rằng châu Âu chưa phải là một thực thể đối ngoại và an ninh đủ mạnh để giải quyết hiệu quả các điểm nóng tầm cỡ như Ukraine.
Hành động của EU cho đến lúc này là đơn lẻ và rời rạc. Ở cấp độ liên minh, tiếng nói của những quan chức EU như Cao ủy phụ trách đối ngoại Catherine Ashton hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Herman Van Rompuy, các Chủ tịch EU và Ủy ban châu Âu hoàn toàn không mang lại trọng lượng. Các nỗ lực ngoại giao lớn và thực chất đều được tiến hành bởi các quốc gia riêng lẻ có các lợi ích riêng trong quan hệ với Nga và Ukraine.
Bước đi thực chất nhất của EU cho đến lúc này là nỗ lực của “Tam giác Weimar” gồm bộ ba Ngoại trưởng Pháp-Đức-Ba Lan khi dàn xếp được một thỏa thuận giữa Tổng thống bị lật đổ Yanukovych với phe đối lập. Tuy nhiên, diễn biến trong những ngày qua, với việc thỏa thuận gần như đã bị xé bỏ, Ukraine lập chính phủ mới và căng thẳng quân sự leo thang với Nga cho thấy, dự tính của châu Âu đã đi ra ngoài tầm kiểm soát.
Với các Ngoại trưởng EU họp bàn với nhau tại Brussels hôm nay, câu hỏi đặt ra là phải lựa chọn ưu tiên: quan hệ ngoại giao với Moscow hay sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine?
Cho đến bây giờ, câu hỏi vẫn gây tranh cãi và khó lường bởi mỗi quốc gia có một ưu tiên khác nhau. Với những nước thuộc khối Đông Âu cũ như Ba Lan hay CH Czech, hành động leo thang quân sự là một mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh nên quan chức các nước này yêu cầu một phản ứng cứng rắn với Moscow. Nhưng, cũng đang có những ý kiến từ Tây Âu cho rằng, dù EU phải có trách nhiệm với Ukraine nhưng EU cũng không phải tìm mọi cách tránh sa lầy vào một cuộc xung đột mới với một đối thủ cứng rắn như Nga.
Thực tế, sự chờ đợi của dư luận châu Âu lúc này nằm nhiều ở phản ứng của các cường quốc trong NATO hơn là ở Brussels bởi nếu Nga tiến hành một hành động quân sự ở Ukraina, chỉ NATO mới có đủ sức mạnh để tạo nên áp lực buộc Moscow phải kiềm chế.
Ngày hôm qua (2/3), ngay sau các cuộc điện đàm của các Tổng thống Mỹ và Pháp với Tổng thống Nga Putin, NATO đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và ra tuyên bố Nga đang “đe dọa hòa bình và an ninh ở châu Âu” và yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức các hành động quân sự.
Ngay sau đó, Phủ Tổng thống Pháp Elysees cũng ra thông báo cho biết Pháp sẽ “ngưng” sự tham gia vào các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 vào tháng 6/2014 tại Sochi (Nga). Tùy vào diễn biến tiếp theo, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng có thể sẽ hành động tương tự Tổng thống Mỹ Barack Obama là tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G8. Tiếp bước Pháp, một cường quốc khác của NATO là Anh cũng ra tuyên bố tương tự. Báo chí Pháp liên tục nói đến việc Nga tự loại mình ra khỏi G8 bằng hành động quân sự; hay hãng tin châu Âu Europe 1 nêu câu hỏi NATO có hay không nên tấn công vào Ukraine?
Các thành viên khác trong NATO thì đã phản ứng ở các mức độ khác nhau. CH Séc và Litva đã tuyên bố triệu hồi Đại sứ các nước này tại Nga về nước để phản đối hành động của Nga.
Kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh, đây được coi là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà châu Âu phải đối phó và quy mô của cuộc khủng hoảng đã vượt ra khỏi phạm vi châu Âu. Và rõ ràng châu Âu đang hết sức bối rối./.
Theo Thùy Vân/VOV.VN