Ngày mai, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại thủ đô Bruxelles (Bỉ) để thảo luận về vấn đề Crimea và các lệnh trừng phạt có thể đối với Nga.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
[video]/upload/2014/AUDIO/03.20_Nga_EU_.mp3[/video]
Theo các nhà phân tích, vấn đề này có thể sẽ gây chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu khi nó đang đặt khối này trước những lựa chọn quan trọng giữa cái được và mất trong quan hệ kinh tế với Nga.
Khó có thể hình dung EU có thể đưa ra những đòn trừng phạt nào lớn hơn với Nga khi các nước đều phải cân nhắc những hệ lụy khôn lường sẽ phải gánh chịu khi đóng băng toàn bộ quan hệ hợp tác với Nga
Trong một phát biểu hôm qua thay mặt Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Nga thay đổi chính sách đối với vấn đề Ukraine, nếu không sẽ phải “gánh chịu những hậu quả về kinh tế”. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không chỉ có Nga mà các nước châu Âu chắc chắn cũng sẽ mất rất nhiều.
Các số liệu công bố mới đây của Ủy ban châu Âu cho thấy, năm 2012, trao đổi thương mại song phương giữa Liên minh châu Âu và Nga đạt 335 tỷ euro và Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại đang đầu của Nga, chiếm tới 41% trao đổi thương mại của nước này.
Trong khi đó, mức độ phụ thuộc về năng lượng của Liên minh châu Âu đối với Nga lại không giống nhau ở mỗi nước. Ví dụ, trong khi đối với Pháp, khí đốt của Nga chỉ là một trong số các lựa chọn, thì đối với các nước vùng Baltic và Đông Âu như Ba Lan thì nguồn năng lượng này lại có ý nghĩa sống còn.
Vì thế, hậu quả nhãn tiền của cuộc khủng hoảng Ukraine là Liên minh châu Âu có thể sẽ phải xem xét lại toàn bộ chính sách năng lượng của mình, giảm dần sự phụ thuộc vào Nga như trước đây.
Theo bà Judy Dempsey, một chuyên gia phân tích thuộc cơ quan nghiên cứu Carnegie Europe tại Bruxelles, chắc chắn người châu Âu sẽ không nói xuông, bởi trước đó họ cũng đã thông qua một số lệnh trừng phạt và vấn đề hiện nằm ở mức độ của những lệnh trừng phạt này.
Thực tế là ngay sau khi Nga chấp nhận “sự trở về” của Crimea, nhiều nước phương Tây đã đồng loạt áp đặt các chế tài trừng phạt nhằm vào quyền đi lại và tài sản của một số quan chức Nga và Crimea. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vẫn khó có thể hình dung liệu Liên minh châu Âu có thể đưa ra những đòn trừng phạt nào lớn hơn đối với Nga khi các nước đều phải cân nhắc thận trọng về những hệ lụy khôn lường mà khối này sẽ phải gánh chịu một khi đóng băng toàn bộ các quan hệ hợp tác với Nga.
Hơn nữa, ngay trong nội bộ Liên minh châu Âu cũng đã xuất hiện những rạn nứt liên quan đến việc trừng phạt hay định hình lại quan hệ với Nga trong tương lai. Minh chứng rõ nhất cho điều này là tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc sẽ không bãi bỏ tư cách thành viên của Nga trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố trước đó của Anh và Pháp. Rõ ràng, lúc này Nga vẫn giữ được lợi thế kinh tế và năng lượng trước các thị trường khát năng lượng ở châu Âu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga sẽ không phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong cuộc đối đầu hiện nay. Việc tiếp nhận Crimea mang lại cho Nga nhiều lợi ích về ngoại giao và quân sự, nhưng về kinh tế thì lại khác. Nga sẽ phải tiêu tốn hàng tỷ euro về trung hạn cho sự hội nhập của Crimea, trong khi kinh tế Nga cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều nếu phương Tây quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, trong một thế giới toàn cầu hóa với các lợi ích đan xen như hiện nay, bất kỳ quốc gia nào dù là Nga hay Liên minh châu Âu cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi bước đi để vừa giữ được thể diện ngoại giao, vừa bảo toàn các lợi ích quốc gia.
Thu Hoài – VOV
Theo radiovietnam.vn