Có tới hơn 1.100 vệ tinh đang hoạt động bên ngoài vũ trụ, trong đó có một số to bằng chiếc xe buýt. Đây là hai trong số hàng loạt đặc điểm thú vị về những "người lính không gian".
Theo một tài liệu căn bản về vệ tinh do Nicholas Johnson, cựu chuyên gia Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tham gia biên soạn, hiện có khoảng 1.100 vệ tinh đang hoạt động trong vũ trụ, bao gồm cả vệ tinh chính phủ và tư nhân. Vệ tinh đầu tiên phóng lên không gian là Sputnik 1 của Nga vào năm 1957 trong khi vệ tinh "già nhất" hiện vẫn còn hoạt động được phóng vào năm 1958. Vệ tinh không gian thuộc quyền sở hữu của các chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân. Dẫn đầu về số vệ tinh hoạt động trên vũ trụ hiện nay là Mỹ với 502 chiếc, tiếp theo là Nga và Trung Quốc với số vệ tinh lần lượt là 118 và 116.
Các vệ tinh được phóng lên vũ trụ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau bao gồm định vị toàn cầu, truyền tín hiệu điện thoại hoặc truyền hình, dự báo thời tiết, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và thậm chí phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tùy theo từng nhiệm vụ mà vệ tinh có kích thước khác nhau. Một số vệ tinh viễn thông có thể to bằng một chiếc xe buýt trường học cỡ nhỏ và nặng tới 6 tấn trong khi những vệ tinh ngắn hạn khoảng 10cm2 và nặng khoảng 1kg. Công việc của một vệ tinh cũng quyết định vị trí của nó trong không gian. Vệ tinh truyền thông thường ở cách mặt đất khoảng 35.400 km, vệ tinh định vị khoảng 20.000 km. Một số vệ tinh không ở vị trí cố định mà di chuyển trong không gian khi cần thiết.
Với khoảng 2.600 vệ tinh đã ngừng hoạt động hiện vẫn đang trôi nổi trong không gian, tồn tại một mối đe dọa về các vụ va chạm giữa vệ tinh "chết" và vệ tinh đang hoạt động. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, các chuyên gia lập trình để những vệ tinh ở tầm thấp khi hết nhiệm vụ sẽ tự động trở về Trái Đất và tự hủy trong vòng 25 năm. Còn đối với những vệ tinh ở tầm cao, chúng sẽ được tiếp tục đẩy lên cao hơn xa hẳn vào không gian.
Theo Nguyễn Thơ/ Chinhphu.vn