Ít nhất ba người thiệt mạng và năm người bị thương khi lực lượng đặc nhiệm của Ukraine tiến hành chiến dịch “chống khủng bố” để trấn áp lực lượng ly khai ở miền đông nước này.
Các tay súng ly khai tuần tra tại một tòa nhà chính phủ ở Slaviansk - Ảnh: AFP
“Chiến dịch chống khủng bố đã bắt đầu ở Slaviansk. Trung tâm chống khủng bố của lực lượng an ninh đang chỉ đạo” - Interfax trích lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Arsen Avakov thông báo sáng 13-4. Ông Avakov yêu cầu người dân ở trong nhà và nói các tay súng đã bắn trả vào lực lượng an ninh của Kiev.Ông Avakov nói cả hai phe đều có người thiệt mạng và người bị thương. Ông cho biết phe ly khai hiện có khoảng 1.000 người ủng hộ. Cùng ngày, tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov tuyên bố sẽ tiến hành chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn và nói Kiev sẽ “không để lặp lại kịch bản Crimea”.
Các chiến dịch trấn áp lực lượng ly khai này có thể đẩy cuộc khủng hoảng lên nấc thang mới khi Matxcơva cảnh báo sẽ hành động để bảo vệ người dân nói tiếng Nga nếu họ bị tấn công.Phóng viên của Reuters nói có thấy hai máy bay trực thăng quân sự bay phía trên khu trụ sở cảnh sát nơi đang bị lực lượng ly khai chiếm đóng ở Slaviansk.
Miền đông bất ổn
Tình hình ở miền đông Ukraine đã trở nên đặc biệt bất ổn trong mấy ngày nay sau khi một loạt tòa nhà chính phủ bị các nhóm ly khai thân Nga tấn công. Một ngày trước đó, hàng chục tay súng với súng tự động đã xông vào chiếm các tòa nhà cảnh sát và một số tòa nhà chính phủ của thị trấn Slaviansk ở miền đông, cách biên giới Nga khoảng 150km và có khoảng 160.000 dân. Việc chiếm các tòa nhà cảnh sát cũng diễn ra lẻ tẻ ở các thị trấn Kramatorsk và Druzhkovka với hàng chục tay súng. Các tòa nhà chính phủ ở Donetsk và Luhanks cũng bị tấn công.
Kiev đã chỉ trích các nhóm ly khai thân Nga này là “hành động gây hấn” của Matxcơva. Các diễn biến khiến mọi người lo ngại về kịch bản tương tự như từng diễn ra khi Nga đưa quân vào Crimea.“Chúng tôi rất quan ngại về chiến dịch có tính tổ chức mà chúng tôi đang thấy ở miền đông Ukraine hiện nay bởi các nhóm ly khai” - Reuters trích lời người phát ngôn của Hội đồng quốc gia Mỹ Laura Lucas Magnuson nói - Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Putin và chính quyền của mình dừng các hành động gây bất ổn Ukraine”.
Các cáo buộc này đến nay đều bị phía Nga bác bỏ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Ukraine là “không có khả năng chịu trách nhiệm về số phận của đất nước” và cảnh báo việc sử dụng vũ lực chống lại cộng đồng nói tiếng Nga sẽ “chặn khả năng hợp tác”, trong đó bao gồm cả cuộc đàm phán bốn bên giữa Nga, Ukraine, Mỹ và EU vào tuần này tại Geneva.
Nga muốn thể chế liên bang
Giữa lúc tình hình căng thẳng, hôm 12-4 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry đã cảnh báo thêm về hậu quả đối với Nga “nếu Nga không tiến hành các bước giảm leo thang ở đông Ukraine và rút quân khỏi biên giới”. Phía Bộ Ngoại giao Nga thì chỉ trích ông Kerry “không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào” cho các cáo buộc.
Giới phân tích cho rằng việc các tay súng tiến hành một loạt sự vụ ở miền đông là nỗ lực để gây sức ép với chính quyền Kiev trước thềm cuộc đàm phán bốn bên tại Geneva vào ngày 17-4. Theo giới phân tích, mục đích của Nga lần này là gây sức ép để Kiev không rời quỹ đạo của mình hơn là tách lãnh thổ như trường hợp ở Crimea. Hiện Kremlin muốn gây áp lực để Kiev phải thay hiến pháp theo thể chế liên bang, tăng thêm quyền tự trị cho các chính quyền tỉnh - điều cả Kiev và phương Tây đều phản đối.
“Một thể chế liên bang sẽ đảm bảo Ukraine không chống Nga” - Sergei A. Markov, nhà phân tích thân Kremlin, nói với New York Times. Việc xây dựng thể chế liên bang này cho phép chính quyền Nga có thể giao thiệp trực tiếp với chính quyền các tỉnh thay vì phải thông qua chính quyền Kiev - mô hình “chính quyền trung ương yếu và các tỉnh trưởng mạnh”.
Câu hỏi với Ukraine lúc này không đơn thuần là chuyện đối đầu Đông - Tây. Thực tế sức mạnh và ảnh hưởng của Nga khiến Kiev phải rất tinh tế trong chuyện cân bằng quyền lực: đảm bảo nước Nga hài lòng với các yêu cầu của mình trong khi giữ được nền độc lập. Một trong những lo ngại lớn nhất lúc này là bất cứ leo thang nào có thể dẫn tới “cuộc chiến khí đốt” có thể gây gián đoạn nguồn khí cung cấp cho toàn bộ châu Âu. Với tình hình khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa giải quyết, tranh cãi về khí đốt giữa Ukraine và Nga đang đe dọa hàng triệu người dân ở châu Âu khi phần lớn lượng khí đốt này đi qua lãnh thổ Ukraine. Hiện EU đang ngần ngại trước kế hoạch của Mỹ nhằm mở rộng trừng phạt để răn đe đối với Nga.
Theo Thanh Tuấn/Tuổi trẻ Online