Cập nhật: 18/04/2014 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù chưa có ca tử vong nào ở người lớn mắc sởi nhưng hiện BV Nhiệt đới Trung ương đang có khoảng 300 ca bệnh, BV Bạch Mai cũng có 70 ca. Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV, ở người lớn, tuy bệnh vẫn diễn biến theo dạng cổ điển nhưng cần hết sức cảnh giác với biến chứng não viêm gây rối loạn các trung khu tuần hoàn hô hấp.

Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải

TS. Kính cho hay, sởi là bệnh dẫn đến suy giảm miễn dịch cấp tính nên ngay khi mắc bệnh, cơ thể đáp ứng miễn dịch với các mầm bệnh vi sinh vật khác rất kém. Vì vậy dễ dàng lây nhiễm, bội nhiễm vi sinh vật trong môi trường, đặc biệt là môi trường BV có những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh. Trường hợp bệnh nhân viêm phổi do các vi khuẩn đa kháng này sẽ rất nặng, tử vong nhanh. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch thì nguy cơ đồng nhiễm bệnh cảnh khác, với các loại virus khác (chẳng hạn như Rino virus) sẽ tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trẻ trên nền bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, bại não…

Hiện số mắc sởi ở nước ta đã tăng hơn 8.500 ca và tử vong liên quan đến sởi là 112 ca. TS. Kính nhận định, tình hình sởi nước ta hiện nay đang lặp lại chu kỳ sởi của năm 2009-2010. Nhiều ca tử vong sởi tập trung tại BV Nhi Trung ương do đây là tuyến cuối, tập trung gần như tất cả các bệnh nhân nặng của hầu hết các tỉnh miền Bắc dẫn đến tỷ lệ tử vong tại đây cao.

Trong khi bệnh sởi trẻ em chưa hết “nóng” thì tại BV Nhiệt đới Trung ương, hiện có khoảng 300 ca bệnh sởi ở người lớn. Tuy bệnh vẫn diễn biến lâm sàng vẫn theo dạng cổ điển, song TS. Kính khuyến cáo cần hết sức cảnh giác với biến chứng não viêm gây rối loạn các trung khu tuần hoàn hô hấp. Điều này khác với biến chứng ở trẻ em chủ yếu là nhiễm trùng, bội nhiễm ở đường hô hấp gây suy hô hấp nặng, dẫn đến tử vong. Mặc dù ghi nhận nhiều ca sởi nặng nhưng đến thời điểm hiện tại, BV Nhiệt đới Trung ương chưa ghi nhận ca tử vong do sởi.

Hiện các chuyên gia dịch tễ đã xem xét, đối chiếu độc lực của bệnh sởi với các nước cũng đang có sởi hoành hành cho thấy chưa có sự biến đổi ở virus sởi. Giải trình tự gene vẫn khẳng định chủng H1 gây bệnh từ nhiều năm nay, không thấy mánh độc của bệnh tăng lên.

TS. Kính cho biết, do sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, lây truyền rất nhanh. Vì thế, ông khuyến cáo cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Cần thường xuyên rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng nhất là khi vào môi trường bệnh viện. Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, yếu tố thời tiết trong bối cảnh hiện nay cũng cóp vai trò quan trọng, khi có nắng ấm cần mở cửa thông thoáng để ánh nắng chiếu vào nhà, tia cực tím có thể tiêu diệt được mầm bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, mọi đối tượng chưa có miễn dịch (tức chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa mắc sởi) đều có thể bị sởi (ngay cả với trẻ dưới 9 tháng tuổi). Vì vậy, trẻ em từ 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi tới 9 tháng tuổi đều có thể mắc bệnh sởi. Ngoài ra, người lớn chưa được tiêm chủng, không có miễn dịch nên khi có dịch sởi họ cũng dễ mắc. Do đó, mọi đối tượng chưa có miễn dịch cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiêm 1 mũi vắc xin sởi hiệu quả bảo vệ đạt 87%, tiêm 2 mũi hiệu quả đạt 95%.

 

Theo Lê Bình/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm