Ngày 17/4, tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố “Báo cáo Đánh giá về hoạt động không gian," trong đó nêu rõ Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là ba lực lượng lớn chủ đạo tham gia các hoạt động không gian quốc tế, đồng thời đưa ra dự báo cho rằng trong một thời kỳ tương đối dài tiếp theo, Mỹ vẫn là quốc gia chiếm ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực này.
Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ MAVEN bằng tên lửa đẩy Atlas 5 vào quỹ đạo từ bệ phóng ở Canaveral, bang Florida. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Báo cáo cho biết hiện nay toàn cầu đã có 12 quốc gia hoàn toàn có đủ năng lực độc lập phóng vệ tinh. Trong tổng số 159 lần phóng vệ tinh, tàu vũ trụ vào không gian trên toàn cầu trong giai đoạn 2012-2013, Nga, Mỹ, Trung Quốc và các nước EU là những nước hàng đầu - chiếm tới gần 87%.
Về phương diện sử dụng không gian, tính đến tháng 8/2013, ước đoán toàn cầu có 1.084 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, trong đó Mỹ có 461 vệ tinh, tiếp đến là Nga với 111 vệ tinh; EU có 110 vệ tinh. Mỹ cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị chống vệ tinh và năng lực tên lửa đạn đạo, cũng như có tần suất thử nghiệm không gian dày đặc nhất.
Về phương diện thương mại hàng không vũ trụ, tính đến tháng 8/2013, trong số các vệ tinh đang bay trên quỹ đạo thì vệ tinh lưỡng dụng (dùng cho cả mục đích thương mại và quân sự) chiếm 44% tổng số vệ tinh, trong đó Mỹ và Nga chiếm tới 86% số vệ tinh lưỡng dụng. Mỹ vẫn là nước đi đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ dân dụng. Hiện nay một phần nhiệm vụ quân sự của Mỹ đã hoàn toàn dựa vào trang thiết bị dân dụng.
Ở góc độ tài nguyên không gian, vệ tinh quỹ đạo cận địa chiếm 48,9% tổng số vệ tinh toàn cầu, vệ tinh quỹ đạo đồng bộ địa cầu chiếm hơn 40%, trong đó riêng Mỹ chiếm lần lượt 44% và 40% tổng số của hai loại vệ tinh trên./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/my-van-dan-dau-the-gioi-ve-nghien-cuu-khai-thac-vu-tru/255150.vnp