Đầu tư công cho ngư dân để họ có tiềm lực đóng tàu công suất lớn, bám biển ra khơi.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi trao đổi với báo chí về vấn đề biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam… một trong những giải pháp để tăng sức mạnh trên biển Đông lúc này được các ĐBQH nhắc tới là việc đầu tư cho ngư dân.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM): Đã tới lúc đầu tư công cho ngư dân
Chúng ta có gần 70% dân số sống ở khu vực nông dân nông thôn, cho nên đầu tư cho nông dân, ngư dân lúc này là thắng lợi.
Hiện để đầu tư cho ngư dân, nông dân chỉ cần một con số rất nhỏ trong đầu tư công. Ví dụ đầu tư 10 chiếc tàu cần 15.000 tỉ đồng để tạo một lực lượng ra khơi hùng mạnh. Chưa bao giờ ngư dân khát khao ra khơi bảo vệ chủ quyền như lúc này.
Hiện giờ, ngư dân là những người bám biển, nhưng họ vẫn phải tự vay vốn để đóng tàu, ra khơi. Nếu chẳng may gặp rủi ro là trắng tay. Đóng tàu cho ngư dân đi đánh bắt, đánh được nhiều thủy sản thì chia nhiều, đánh ít thì chia ít, giống như mô hình của các hãng taxi đang hoạt động.
Bên cạnh đó cần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Tinh thần lúc này là quan trọng. Vấn đề đầu tư công hiện nay có tình trạng tràn lan lãng phí. Cho nên chỉ nên đầu tư những dự án có mục tiêu cả về kinh tế và an ninh quốc phòng.
Đại tá Trịnh Đình Thạch (đoàn Quảng Ngãi), Phó Chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi: “Ngư dân không có tài sản để vay vốn nên cần sự hỗ trợ của nhà nước”.
Đối với nhân dân Quảng Ngãi, đặc biệt là Lý Sơn thì từ xưa không thể không đi biển. Nên dù thế nào họ cũng phải ra khơi bám biển, không những làm giàu cho gia đình, quê hương, khai thác trên vùng biển của mình mà còn thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta nên đề nghị Đảng, Chính phủ phải quan tâm.
Và có thể nói là về lâu dài phải có nguồn hỗ trợ ngư dân đóng các tàu lớn, tàu sắt đầy đủ phương tiện tiện nghi để khi họ hoạt động ở biển xa thì có thể tự bảo vệ và phối hợp thành các nghiệp đoàn để bảo vệ trên biển.
Trước đây ngư dân muốn đóng loại thuyền lớn hơn, chắc chắn hơn thì cần 3-4 tỷ đồng, có loại hơn thì như vậy là điều kiện để người ta trước đây phải thế chấp, có điều kiện để vay được là khó vì không có tài sản để vay nên cần sự hỗ trợ của nhà nước cho ngư dân hoặc đưa công ty đóng tàu biển người ta đưa một mô hình đóng, sau đó đưa thành giá, đưa cho ngư dân làm hàng năm tích lũy để trả cho nhà nước.
Cái thứ hai nữa mà người ta nói rất là nhiều mà chưa làm được là hậu cần nghề cá. Đây là vấn đề đặc biệt. Hiện nay ngư dân đi, ngư dân ven biển Quảng Ngãi khi tổ chức đi biển dài ngày thì công tác bảo đảm hậu cần rất lớn nhưng không có hỗ trợ cho họ, không tổ chức được hậu cần nghề cá do đó người ta phải đi mua các dịch vụ với giá với rất đắt, giá cao… nên muôn vàn chuyện rắc rối cho họ. Vì thế, nếu xây dựng được hậu cần nghề cá cho biển là rất thuận lợi.
Biển đảo của ta rất dài, có tiềm năng và vươn ra biển là một chiến lược phát triển kinh tế cơ bản, ổn định trong tương lai do đó một thông điệp cho cử tri là bà con yên tâm bám biển, có Đảng, có Nhà nước, có Chính phủ, có cơ chế chính sách hỗ trợ và có cộng đồng kể cả các nước, đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm ủng hộ.
ĐBQH Đặng Thành Tâm (đoàn TP HCM): Phải tính toán kỹ để đối phó với Trung Quốc
Cá nhân tôi cũng như nhiều vị đại biểu khác đã đề nghị Quốc hội phải ra Nghị quyết về Biển Đông thể hiện quyết tâm đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình. Thậm chí là phải kiện ngay chứ không chần chừ thêm nữa.
Chúng tôi cho rằng, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ và chắc chắn họ sẽ lấn thêm nữa. Do vậy nước mình phải tính toán kỹ để đối phó với tình hình này.
Lúc này phải kêu gọi mọi người yêu nước bằng cách tập trung sản xuất nâng cao năng suất lao động giống như thời kháng chiến xưa. Kêu gọi đồng bào sử dụng hàng trong nước và có thể cho ngư dân mít tinh ngay sát giàn khoan. Việc làm này chỉ để chứng minh cho Trung Quốc thấy sự quyết tâm của cả dân tộc trước việc đất nước bị xâm lấn./.
Vũ Hạnh/VOV.VN