Theo các chuyên gia, những nước trong khu vực cần phải lường trước mọi tình huống khi Trung Quốc âm mưu thống trị vùng biển khu vực.
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục khiến nhiều học giả, chính khách và báo chí quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ảnh: Asahi Shimbun)
Ông Jayadeva Ranade-Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chiến lược về Trung Quốc (CCAS) của Ấn Độ nhận định, với việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã chọn cách làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Theo ông, việc có tới hơn 80 tàu có vũ trang của Trung Quốc hộ tống giàn khoan cũng truyền đi một thông điệp không thể nhầm lẫn tới tất cả các nước trong khu vực rằng, Bắc Kinh quyết sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Ông Jayadeva Ranade cho rằng, các nước trong khu vực cần phối hợp với nhau nhằm bảo đảm rằng các tuyến hàng hải quốc tế và thương mại trên biển phải được tự do thông thương, các vùng lãnh thổ tranh chấp, dù trên đất liền hay trên biển, đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Theo ông Ranade, các nước trong khu vực phải lường trước mọi tình huống trong tương lai gần khi Trung Quốc âm mưu thống trị vùng biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và kiểm soát các tuyến hàng hải.
Tờ The Sydney Morning Herald của Australia cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston đã chia sẻ mối quan ngại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại đối thoại Shangri-La lần thứ 13 về việc Trung Quốc có những hành động gây bất ổn ở Biển Đông. Bộ trưởng David Johnston đưa ra lập trường trên sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc có hành động “đơn phương, gây mất ổn định”, đặc biệt với việc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.
Trước đó, ngày 1/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng David Johnston nhấn mạnh rằng Mỹ, Australia và Nhật Bản quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tờ The Sydney Morning Herald đánh giá Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston đã có những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay liên quan tới căng thẳng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng có bài viết với tựa đề “Mỹ cảnh báo Trung Quốc tại Hội nghị An ninh châu Á”. Trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đã hết sức kiềm chế trước hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng tìm kiếm khả năng thông qua tòa án quốc tế để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, nhưng đây là “giải pháp cuối cùng”.
Hãng tin Nga là Gazeta.ru có lượng truy cập 3 triệu lượt người mỗi ngày cũng đăng bài viết có nhan đề “Người Việt Nam sẽ không bao giờ cam chịu” của nhà báo Vladimir Koryagin khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tác giả bài báo đã dẫn ra các sự kiện lịch sử minh chứng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Tuyên bố chung Cairo năm 1943 với việc lãnh thổ của Trung Quốc được phân định rõ ràng, không có liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa; Tuyên bố Postdam, Đức năm 1945 và Hội nghị San Fransisco năm 1951 đề cập Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Đài NHK của Nhật Bản hôm 2/6 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tại cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La đã nhất trí rằng mọi tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông cần được giải quyết thông qua biện pháp hòa bình. Theo Đài NHK, tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc tàu cá của Việt Nam mới đây bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông.
Ông Onodera nói: “Thật đáng báo động khi một chiếc thuyền cá của Việt Nam bị nhiều thuyền đánh cá Trung Quốc bao vây và sau đó là đâm chìm. Tôi thực sự không hiểu tại sao một thuyền cá, công việc đơn giản chỉ là đánh bắt cá lại bị tàu khác đâm chìm. Thực tế này cộng với nhiều tàu quân sự của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này sẽ là mối đe dọa cho tương lai”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo ông Onodera, mặc dù liên tục chịu sức ép từ phía Trung Quốc, song Việt Nam đã phản ứng một cách kiềm chế.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia hôm 2/6 đã lên tiếng hối thúc việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trong diễn văn khai mạc tại một hội nghị an ninh của nước này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng, "những cuộc đàm phán cần được hoàn tất trong tương lai rất gần". Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh rằng, những cuộc đàm phán và hành động nhằm đưa đến một Bộ Quy tắc ứng xử cho các quốc gia ở những vùng biển tranh chấp là "bước đi đúng hướng"./.
Theo Anh Tuấn/VOV.VN