Phân bón giả, kém chất lượng "hoành hành" đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà sản xuất chân chính; nghiêm trọng hơn là khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân. Mặc dù các cơ quan quản lý thường xuyên ra quân kiểm tra, song thực trạng trên chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra nguyên liệu làm phân bón giả của Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Việt. Ảnh: HÀ MI
Nhức nhối khó kiểm soát
Cuối tháng 4 vừa qua, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Yên) kiểm tra, phát hiện một ô-tô tải chở 200 bao phân bón hữu cơ sinh học tổng hợp (10 tấn) mang nhãn hiệu "Phân hữu cơ sinh học tổng hợp Á Châu BIO", sản xuất tại Công ty cổ phần Ðầu tư và Xuất nhập khẩu phân bón Á Châu (địa chỉ số 177 Ðiện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số phân bón kể trên không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có chứng nhận chất lượng. Từ lời khai của lái xe, tổ công tác bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất nguyên liệu làm phân bón và chất xử lý môi trường tại thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên), do ông Huỳnh Văn Thế làm chủ, thấy đang gia công loại phân bón hữu cơ sinh học mang nhãn hiệu trên. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 500 bao phân hữu cơ tổng hợp cùng loại vừa được sản xuất, đóng bao bì tại cơ sở này. Qua kiểm tra, cơ sở này không đủ điều kiện hoạt động, không có các giấy tờ chứng minh được phép sản xuất, chế biến, gia công loại phân bón này... Trước đó, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên cũng phát hiện hàng chục tấn phân bón giả mang nhãn phân bón Ðầu Trâu của Công ty CP phân bón Bình Ðiền, được bán cho nhiều người trồng dưa hấu ở tỉnh Phú Yên và Bình Ðịnh.
Gần đây nhất, giữa tháng 5, Ðoàn kiểm tra liên ngành 127 tỉnh Ðồng Nai đã kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón (không có bảng hiệu) do Tào Văn Chinh tại địa chỉ tổ 20, khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Ðồng Nai). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 200 tấn nguyên liệu dùng để trộn làm phân bón giả, có xuất xứ từ Trung Quốc và nhiều loại phẩm mầu, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi kiểm tra, cơ sở này không cung cấp được các giấy tờ liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh phân bón...
Quyết liệt xử lý nhưng hàng giả... vẫn tăng
Trước vấn nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón theo quy định của pháp luật. Theo ông Ðỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương), trong quý I- 2014, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 88 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,26 tỷ đồng, với các hành vi vi phạm là kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không thuộc danh mục được phép kinh doanh; phân bón nhập lậu.
Ðiều đáng nói, mặc dù các giải pháp ngăn chặn đã được quán triệt tại nhiều hội nghị, hội thảo, song tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả lại tiếp tục gia tăng. Phải chăng là do các ngành chức năng vẫn chưa vào cuộc quyết liệt? Biết rằng lực lượng chức năng đang vấp phải một số khó khăn, như: hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại còn chưa hoàn chỉnh; tại nhiều địa phương, việc phân công trách nhiệm tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm có chỗ chưa thống nhất. Việc quản lý cấp giấy phép kinh doanh ngành nghề còn lỏng lẻo; hoạt động kiểm tra, kiểm soát chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa chú trọng đi sâu vào kiểm tra chất lượng. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm không thể nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định tại các tổ chức giám định được chỉ định, thời gian giám định kéo dài, cho nên không xử lý được kịp thời... Hàng loạt những hạn chế đó ai cũng hiểu. Nhưng chẳng lẽ không có cách nào ngăn chặn triệt để? Phải chăng do một số cán bộ trong các lực lượng chức năng đã thả lỏng quản lý?
Cần sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp
Ngày 27-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2013/NÐ-CP về quản lý phân bón. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, đó là hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành chức năng áp dụng thực hiện. Nhưng ngành sản xuất phân bón lại lo ngại, nếu các lực lượng: Công an, QLTT, Hải quan, Thanh tra nông nghiệp không thực hiện quyết liệt thì Nghị định không phát huy tác dụng.
Vì vậy, để đưa Nghị định vào cuộc sống, xóa bỏ tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng thông qua sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin về sai phạm giữa các cơ quan, các lực lượng. Trên cơ sở đó tổ chức và hoàn thiện cơ chế phối hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong phòng ngừa, đấu tranh chống nạn phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng. Làm tốt công tác dự báo thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Bố trí đủ lực lượng có kiến thức và bản lĩnh trực tiếp kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, trong đó tập trung vào các vấn đề: Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón; tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc chấp hành các quy định của luật pháp; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; việc xử lý vi phạm phải bảo đảm tính răn đe. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin đại chúng trong việc đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật thông qua việc cung cấp thông tin, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán đối tượng làm ăn phi pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức QLTT có chuyên môn, nghiệp vụ vững, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Có như vậy mới ngăn chặn được nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng như hiện nay. Bà con nông dân mới được hưởng lợi từ những cây trồng được sử dụng sản phẩm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện xử lý 1.483 vụ vi phạm (tăng 31% so với năm 2012), xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng, tịch thu 813.881 kg, 11.830 gói và 1.165 chai phân bón các loại. Phân bón giả, kém chất lượng được phát hiện chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, chiếm 80% vụ vi phạm phân bón giả trên cả nước.
Theo TRẦN HẢO/Báo Nhân Dân điện tử