Trong những tài liệu được số hóa có Châu bản triều Nguyễn năm Bảo Đại thứ 13 (1939).
Hiện nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên- Huế đang số hóa các tài liệu, văn bản Hán Nôm trong các dòng họ, phủ đệ và các làng xã, trong đó có nhiều tài liệu, văn bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Người dân xem triển lãm bản đồ và tư liệu về chủ quyền biển đảo (Ảnh: Thanh Hà)
Từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình sưu tầm, số hóa một số lượng đồ sộ tài liệu Hán Nôm trên địa bàn, nhằm bảo tồn, lưu giữ tốt hơn di sản cha ông để lại.
Giá trị nhất là các văn bản, tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những tài liệu được số hóa có Châu bản triều Nguyễn năm Bảo Đại thứ 13 (1939) nói về việc đóng quân, lập đồn phòng thủ ở quần đảo Hoàng Sa của quân lính triều Nguyễn do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm; hay như các văn bản khắc trên 4 mặt của chiếc Đại hồng chung và Bài vị bằng chữ Hán khắc ghi công ơn Cai đội trấn giữ Hoàng Sa được thờ tại chùa Tiên Linh, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.../.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung/VOV.VN