Cập nhật: 16/06/2014 16:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đông Nam Á cần thay đổi cách đối phó của Khối với Trung Quốc là quan điểm của chuyên gia Hãng phân tích thông tin toàn cầu Stratfor.

Ảnh minh họa

Theo National Interest, chuyên gia Robert D. Kaplan, trưởng nhóm phân tích địa chính trị của hãng phân tích thông tin toàn cầu Stratfor, đánh giá: “Tất cả phụ thuộc vào Việt Nam”. Kalplan đã trích dẫn bình luận của một quan chức hàng đầu của Mỹ về lập trường của ASEAN: “Malaysia đang tỏ ra kín tiếng, trong khi Brunei đã giải quyết được vấn đề với Trung Quốc. Indonesia không có chính sách ngoại giao rõ ràng về vấn đề này, Philippines có ít quân bài, còn Singapore có khả năng nhưng lại thiếu quy mô. Do vậy, vấn đề hiện nay phụ thuộc lớn vào Việt Nam. ASEAN không thể bỏ rơi Việt Nam giống như cách khối này đã làm đối với Philippines hồi năm ngoái”.Chuyên gia Robert D. Kaplan nhận định: Chấp nhận rằng đâm va là chính sách chính thức của Trung Quốc, được sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao nhất, vậy ASEAN có thể làm gì?

Đông Nam Á cần thay đổi cách đối phó của khối với Trung Quốc, từ bỏ chính sách không hiệu quả là cố gắng đàm phán một thỏa thuận với Bắc Kinh. Dù là cắt lát hay đâm va, Trung Quốc cũng đang tạo ra thêm “các sự thật” để tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không muốn bất kỳ một thỏa thuận đa phương nào. Bắc Kinh cho rằng đã phạm sai lầm khi nhất trí về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sẽ không tham gia Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Một bộ quy tắc mới cho các quy định hàng hải tại Đông Nam Á có thể tăng cường sự đoàn kết và liên kết của khối, thúc đẩy sự độc lập của khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Việc khởi động tiến trình này có thể thay đổi giọng điệu của luận cứ, ít nhất là bằng cách đưa ASEAN xích lại gần nhau. Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách đâm va, nhưng sẽ vấp phải một sự phản ứng của ASEAN dựa trên thỏa thuận đoàn kết, hợp pháp và đàm phán. Đó là một phản ứng đáng gờm đối với Trung Quốc.

“Rất đáng hoan nghênh khi Việt Nam không leo thang căng thẳng và không sử dụng vũ lực để chống lại các tàu của Trung Quốc ở quanh khu vực đặt giàn khoan” và “Việt Nam đã có cách tiếp cận ôn hòa và hợp lý đối với các thách thức của Trung Quốc tại vùng biển của mình”. Đây là phát biểu của Tiến sĩ William Choong, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) - khu vực châu Á. 

Tiến sĩ Choong nói rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trị giá 1 tỷ USD tới hạ đặt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “một động thái được tính toán trước” và “đã được Bắc Kinh lên kế hoạch cẩn thận”. Theo học giả người Singapore, những hành động của Trung Quốc liên quan tới bãi cạn Hoàng Nham, vùng biển mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, và bãi đá James nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu tại vùng biển Việt Nam “là chiến lược được tính toán kỹ càng của Trung Quốc” để dần chiếm toàn bộ khu vực "đường chín đoạn". Ông Choong cũng cho rằng trước những hành động này của Trung Quốc tại Biển Đông, nếu không có phản ứng nào, dù là phản ứng quân sự hay phi quân sự từ các nước tuyên bố chủ quyền ở trong vùng, thì “Trung Quốc sẽ biến ý đồ của họ thành thực tế và mở rộng cơ bản chủ quyền của mình tại Biển Đông. Điều này sẽ có hại cho an ninh khu vực”.

Đối với phản ứng cần thiết của ASEAN trước những âm mưu và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, Tiến sĩ Choong nói ASEAN cần phải có cách tiếp cận chung và mạnh hơn với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn thành COC. “Việc thông qua COC vào thời điểm này là rất quan trọng vì nó quy định cách ứng xử trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ” và như vậy “sẽ rất hữu ích đối với an ninh khu vực”.

 

 

Theo Nguyễn Chiến (tổng hợp)/Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm