Nơi quê nhà-nơi có mẹ, vợ của người lính Hải quân vẫn luôn gửi trọn niềm tin yêu đến người con, người chồng nơi “đầu sóng, ngọn gió”.
Tình yêu người lính biển
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến thăm gia đình Thượng úy Hoàng Tuấn Anh (SN 1983- thuyền trưởng tàu CSB 2013- Hải đội 201-Vùng Cảnh sát biển 2) trên phố Bạch Mai (Hà Nội), chiến sĩ Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật tại vùng biển Hoàng Sa. Thấy có khách đến thăm hỏi, chị Phạm Thị Huyền Trang (vợ anh Tuấn Anh, hiện đang công tác tại Phòng kỹ thuật- vùng Cảnh sát biển 2, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) rất vui và cảm động.
Tại phòng khách, chiếc tivi đang phát bản tin về tình hình Biển Đông, về những người chiến sĩ đang ngày đêm can trường bám biển, làm nhiệm vụ trên biển, chúng tôi càng thấy rõ sức “nóng” của chính người trong cuộc. Ôm con trai hơn 6 tháng tuổi vào lòng, chị Huyền Trang tâm sự, sau kỳ nghỉ phép ở nhà cùng vợ, anh Tuấn Anh trở về tàu CSB 2013 làm nhiệm vụ, không quên dặn vợ “anh đi công tác dài ngày, 2 mẹ con ở nhà giữ gìn sức khỏe”. Từ hôm ấy, nhất là sau ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, trong lòng vợ anh bồn chồn không yên, hàng ngày, cứ có thời gian rảnh, chị lại bám lấy tivi để ngóng thông tin thời sự, mong tin chồng. Song, hơn hết, trong nỗi lo lắng ấy, chị lại càng ý thức hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng và luôn tự nhủ với lòng mình phải luôn là hậu phương vững chắc, động viên anh yên tâm công tác.
Mẹ cùng vợ con của Thượng úy Hoàng Tuấn Anh - thuyền trưởng tàu CSB 2013- Hải đội 201-Vùng Cảnh sát biển 2
Nhắc về người chồng của mình, thẳm sâu trong đôi mắt của chị ánh lên niềm tin yêu và rất đỗi tự hào. Mấy năm trước, chàng trai Hà Nội Hoàng Tuấn Anh nhận nhiệm vụ vào công tác tại vùng Cảnh sát biển 2 (Kỳ Hà, H.Núi Thành, Quảng Nam). Cũng trong thời gian này, anh đem lòng yêu thương cô nhân viên Phòng kỹ thuật-Vùng CSB 2-Phạm Thị Huyền Trang. Tính ra, trong 3 năm tìm hiểu, anh chị không có nhiều thời gian bên nhau như những cặp uyên ương khác, bởi tính chất công việc của hai người có nhiều đặc thù.
Chị Trang tâm sự, vốn xuất thân từ gia đình bộ đội, nên chị đã quen thuộc với cảnh phụ nữ là trụ cột của gia đình khi chồng, cha đi công tác dài ngày. Và chị càng hiểu hơn khi bản thân mình đang công tác tại vùng Cảnh sát biển 2-nơi gắn liền với sóng gió, trùng khơi và… xa cách.
Nhắc tới kỷ niệm từ ngày tìm hiểu nhau, chị Trang không sao quên được kỷ niệm vào ngày sinh nhật của mình. Cả ngày hôm đó, anh Tuấn Anh đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ hoa, nến, bánh sinh nhật và mời đông đủ bạn bè thân thiết tới dự sinh nhật bạn gái mình. Song, đến chiều tối, anh nhận được lệnh lên đường làm nhiệm vụ mới và phải đi ngay. “Anh chỉ kịp nói xin lỗi vì sinh nhật mình mà anh lại ra biển công tác rồi vội vàng đi luôn. Lúc đó, mình tủi thân lắm, vì sinh nhật mà không có người yêu ở bên cạnh, bạn bè cũng đang chuẩn bị đến chơi và cũng không biết giải thích với mọi người thế nào”, chị Trang nhớ lại.
Yêu trong xa cách, họ liên lạc với nhau bằng thư từ, điện thoại… và cứ thế tình cảm càng lớn dần lên. Đầu năm 2013, hai bên gia đình quyết định chọn “ngày lành tháng tốt” để đôi uyên ương sớm về chung một nhà.
Biết Huyền Trang sắp lấy thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng ra khơi làm nhiệm vụ, không ít bạn bè, người thân can ngăn: “Xinh đẹp, tương lai thế này, sao lại lấy người suốt ngày biền biệt lênh đênh trên biển”? Chị Trang mỉm cười và vững tin rằng lựa chọn của chị cũng chính là lựa chọn của định mệnh.
“Bố mẹ là lính Hải quân nên từ khi còn rất bé, mình đã yêu màu áo thân thương ấy. Đến khi lấy chồng cùng công tác trong ngành, mình càng yêu và hiểu hơn đặc thù công việc của người làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, đó là một trọng trách rất cao cả và thiêng liêng”.
Vợ chồng thuyền trưởng Hoàng Tuấn Anh trong ngày cưới (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Vượt cạn” một mình
Ngày cưới đã ấn định, mà anh Tuấn Anh vẫn đang trong thời gian công tác ngoài biển. Được đơn vị tạo điều kiện cho 10 ngày trở vào đất liền cưới vợ, anh hạnh phúc vô cùng. Song, hạnh phúc ngắn ngủi của vợ chồng người lính trẻ chưa được bao lâu thì anh Tuấn Anh lại vào đơn vị tiếp tục nhiệm vụ trong 4 tháng.
Chị Trang kể, hồi mang thai Camry (tên thật là Hoàng Tuấn Đức – 6 tháng tuổi) chị cũng tự mình xoay sở, chu toàn cho gia đình nhỏ. Cho đến ngày sinh, chị “vượt cạn” một mình, mấy ngày sau mới gọi điện thoại vệ tinh trên tàu để báo tin vui mẹ tròn con vuông cho chồng, vì chị không muốn anh lo lắng.
“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồi côi một mình”, câu nói của người xưa càng thấm thía hơn đối với những người vợ có chồng làm Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa. Lúc chuẩn bị sinh, nằm trong bệnh viện, thấy ai cũng có chồng bên cạnh mà mình chạnh lòng. Yêu và lấy anh được gần 4 năm mà thời gian bên anh ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nghĩ lại, mình ở nhà vất vả cũng chưa bằng một phần nhỏ với sự thiếu thốn của anh nơi xa xôi ấy. Những lúc như vậy, cũng chỉ biết động viên anh, để anh ở nơi xa yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Còn mình, vì tình yêu, vì nhiệm vụ thiêng liêng của chồng sẽ cố gắng để anh luôn tự hào về hậu phương nơi đất liền”, chị Trang tâm sự.
Cách đây 2 tháng, tàu anh Tuấn Anh nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa nhưng anh không nói và chỉ dặn vợ chuyến này anh đi công tác dài ngày ở vùng không có sóng điện thoại. Anh dặn có việc gì cũng đừng sốt ruột, khi nào về đất liền anh sẽ gọi cho chị ngay. Sau này, khi truyền hình đưa tin Trung Quốc hạ đạt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì chị mới biết anh đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ở Hoàng Sa.
Từ đó, chị liên tục theo dõi thông tin của chồng trên báo, đài. Nhất là khi nghe thông tin tàu Trung Quốc liên tục gây cản trở, đâm va tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam, trong lòng chị Trang càng rối như tơ vò. Cách đây không lâu, tàu anh về Đà Nẵng tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, anh gọi điện thông báo vẫn khỏe, dặn vợ giữ gìn sức khỏe, chăm con tốt, lúc đó chị Trang mới thực sự yên tâm.
Thuyền trưởng Tuấn Anh cùng vợ- Huyền Trang đều công tác tại vùng Cảnh sát biển 2 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chị Trang chia sẻ, do tính chất công việc đi đột xuất, về cũng không báo trước của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, nên lúc chồng đột xuất về thì vợ lại bồng bế con từ Đà Nẵng ra thăm bố mẹ chồng ở Hà Nội. Do thời gian cập bờ để tiếp nhiên liệu cho tàu rất ngắn nên thế là chồng vợ lại lỡ hẹn và nỗi nhớ như dài thêm bởi nhiệm vụ còn kéo dài.
“Khi lấy anh ấy, mình đã xác định là phải hy sinh rất nhiều để anh ấy làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đến bây giờ, nếu quyết định lại thì mình vẫn chọn anh ấy bởi công việc anh ấy đang làm khiến mẹ con mình rất tự hào”, chị Trang nói.
Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi có thể hình dung ra nỗi vất vả của người vợ trẻ vắng chồng, một mình chăm con nhỏ, lo toan công việc gia đình hai bên nội, ngoại, nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy ở chị niềm lạc quan và nỗi lo dành cho chồng ngoài khơi xa. Với giọng nói ấm áp của người xứ Quảng, chị Trang nhỏ nhẹ: “Mình muốn nhắn với chồng rằng: Anh giữ gìn sức khỏe, vững tay lái, chắc ý chí nơi “đầu sóng ngọn gió”, yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, mọi việc ở nhà khó khăn đến mấy em cũng lo được. Em mong anh cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó. Em có niềm tin về lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam sẽ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc”.
Tự hào về người con trai duy nhất, bà Mạc Bích Nga-mẹ của Thượng úy Hoàng Tuấn Anh cho biết, từ ngày con ra khơi, hằng ngày bà không bỏ sót một tin tức nào từ đài, báo và tivi về Hoàng Sa. Biết đây là chuyến công tác đặc biệt, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước nên ông bà tự động viên nhau giữ gìn sức khỏe để các con yên lòng.
Bà kể, cách đây không lâu, chuông điện thoại ở nhà reo lên, bà thật không ngờ đầu dây bên kia là tiếng con trai mình. Cảm xúc của người làm cha, làm mẹ bấy lâu dồn nén lại nay như vỡ òa. Cầm điện thoại mà tay bà run run, bà nghe tiếng con: “Mẹ ơi, con đây. Bố mẹ ở nhà có khỏe không?”. Nghe đoạn, bà nhạt nhòa nước mắt. Tình cảm hậu phương-tiền tuyến bịn rịn qua những lời động viên con giữ gìn sức khỏe, cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bà Nga cho biết, bù lại những thiếu thốn, xa vắng tình cảm mẹ con, gia đình, đặc biệt là từ ngày tình hình Biển Đông trở nên “nóng” hơn, bà luôn nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của bà con hàng xóm, các đoàn thể, anh chị em cơ quan bà đang công tác. Những quan tâm dù rất nhỏ cũng khiến cho những người làm mẹ như bà cũng thấy ấm lòng, và rất tự hào vì những gì con trai mình và đồng đội đang thay mặt nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Bà Nga nhắn tới người con trai của mình: “Thuyền trưởng là người đứng đầu một con tàu, chịu sóng gió nên con phải quyết tâm đoàn kết anh em để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Con cùng đồng đội giữ gìn sức khỏe, và hãy luôn yên tâm vì bố mẹ, vợ con, và nhân dân ở đất liền luôn hướng về các con. Con hãy cố gắng làm tốt trọng trách của người Cảnh sát biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia"./.
Theo Kim Anh/VOV.VN