Cập nhật: 12/07/2014 16:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm não Nhật Bản là loại viêm não thường gặp nhất ở nước ta. Trẻ em bị bệnh nhiều hơn so với người lớn do chưa có miễn dịch.

Viêm não Nhật Bản

Là loại viêm não thường gặp nhất ở nước ta. Trẻ em bị bệnh nhiều hơn so với người lớn do chưa có miễn dịch. Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 - 16 ngày. Virut viêm não Nhật Bản có thể gây sốt đơn thuần, viêm màng não và viêm não (VMN-VN). Ở trẻ em, bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao, rối loạn tinh thần, có thể có co giật (hội chứng não cấp). Ở người lớn, bệnh ít cấp tính hơn, bệnh nhân mệt mỏi trong một vài ngày, sau đó xuất hiện sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn... Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện tình trạng rối loạn tinh thần, các dấu màng não, liệt vận động, các dấu thần kinh bệnh lý. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các cơn xoắn vặn chi.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nặng. Bệnh nhân có thể tử vong trong giai đoạn cấp của bệnh. Nhiều bệnh nhân có di chứng thần kinh sau giai đoạn cấp, bao gồm rối loạn phát triển trí tuệ, động kinh, liệt vận động...). Phụ nữ có thai mắc viêm não Nhật Bản trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ có thể bị sảy thai.

 

Chăm sóc bệnh nhân viêm não Nhật Bản B tại BV Nhi TƯ. Ảnh: giadinh.net

Viêm màng não do Haemophilus influenzae týp B (Hib)

Hib thường gây viêm màng não mủ ở trẻ em dưới 6 tuổi. Ở người lớn, VMN do Hib thường liên quan tới các ổ nhiễm trùng cận kề màng não như viêm xoang, viêm tai xương chũm, viêm tai giữa hoặc một số bệnh tiềm tàng như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, viêm phổi... Viêm màng não do Hib có thể đi kèm với các biểu hiện khác của nhiễm trùng toàn thân như viêm phổi, viêm mủ hầu họng, viêm cơ, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương... Biểu hiện lâm sàng của VMN do Hib không có gì đặc biệt so với các VMN khác: sốt, đau đầu, nôn... Dấu hiệu màng não có thể rõ hoặc kín đáo. Tỷ lệ tử vong trong VMN do H. influenzae týp B vào khoảng 5%. Một số bệnh nhân sau khi khỏi bệnh còn có các di chứng thần kinh như giảm thính lực hoặc điếc, chậm nói, não úng thủy.

Vi khuẩn Hib

Viêm màng não do não mô cầu (VNMC)

N. meningitidis là tác nhân gây VMN khá phổ biến. Bệnh lây qua đường hô hấp và dễ lan thành dịch. Trẻ em và người trẻ tuổi là nhóm mắc bệnh nhiều nhất. VNMC thường khởi phát cấp tới tối cấp. Hầu hết VNMC thường đi kèm với nhiễm khuẩn huyết. Các biểu hiện thường gặp là sốt cao, rét run, đau đầu, nôn, rối loạn tinh thần. Bệnh nhân thường có hội chứng màng não. Dấu hiệu đặc trưng nhất cho VNMC là ban trên da. Ban thường xuất hiện sớm, phân bố rải rác khắp cơ thể, có dạng dát sẩn màu hồng kích thước 2 - 10mm, chấm xuất huyết. Trong các trường hợp nặng, nhiều vùng da lớn bị xuất huyết và hoại tử. Tình trạng bệnh nhân thường nguy kịch, huyết áp hạ hoặc có thể có sốc, suy đa cơ quan và đông máu nội quản rải rác có thể xảy ra. Nhiễm trùng huyết và VNMC thường có tỷ lệ tử vong cao (10 - 15%), nhất là trong những trường hợp bệnh tối cấp.

Viêm màng não do phế cầu

Phế cầu (S. pneumoniae) là tác nhân gây viêm màng não thường gặp ở người lớn. Bệnh nhân viêm màng não thường có các ổ nhiễm phế cầu kề cận sọ não hoặc ở các cơ quan khác như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm nội tâm mạc... Nhiễm phế cầu nặng thường gặp ở các bệnh nhân có các bệnh cơ địa như nghiện rượu, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, bệnh ác tính, các bệnh suy giảm miễn dịch.

Viêm não - màng não do các Enterovirus

Các virut đường ruột (Enterovirus) xâm nhập vào não từ đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn, nước uống có virut gây bệnh. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi. Triệu chứng người bệnh sốt nhẹ 38oC, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện co giật, hôn mê và có thể tử vong rất nhanh nếu không điều trị kịp thời. Nếu điều trị kịp thời, bệnh khỏi và không để lại di chứng.

Các virut Coxsackie nhóm A và B, virut ECHO thường gây VMN nước trong, có thể kèm theo bại nhẹ. Các biểu hiện thường gặp là sốt, mệt mỏi, đau đầu, nôn, hội chứng màng não. Bệnh nhân nhiễm một số virut Coxsackie nhóm A và B có thể biểu hiện bằng hội chứng tay-chân-miệng với các nốt phỏng trên niêm mạc miệng, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số Enterovirus khác có thể gây đau cơ ngực và cơ bụng, viêm cơ tim. Phát ban dạng dát sẩn có thể gặp, nhất là ở trẻ em. Phần lớn các ca bệnh diễn biến lành tính; liệt thường khỏi hoàn toàn. Một số bệnh nhân có thể tiến triển nặng và tử vong.

Viêm màng não do tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh

Tụ cầu vàng (S. aureus) và trực khuẩn mủ xanh (Ps. aeruginosae) là hai vi khuẩn hàng đầu gây VMN ở những bệnh nhân sau phẫu thuật thần kinh, sau chấn thương sọ não, phẫu thuật dẫn lưu dịch não tủy, viêm nội tâm mạc. Diễn biến VMN do các vi khuẩn này thường nặng, điều trị khó, tỷ lệ tử vong cao.

Biến chứng của quai bị

Là một nguyên nhân VMN-VN khá phổ biến, xuất hiện ở bệnh nhân quai bị, nam mắc nhiều hơn nữ, lứa tuổi dễ mắc VMN do quai bị nhất là trẻ em 5 - 9 tuổi. VMN-VN do quai bị có thể xuất hiện trước, cùng lúc hoặc sau khi sưng các tuyến nước bọt. Trong một số trường hợp, VMN là biểu hiện duy nhất của bệnh. Các bệnh nhân VN thường sốt rất cao, có rối loạn ý thức, liệt thần kinh sọ não. Những biểu hiện ít gặp hơn là viêm tủy cắt ngang, hội chứng Guillain-Barre... VMN do quai bị thường diễn biến lành tính. Một số tổn thương não - màng não có thể để lại di chứng vĩnh viễn như điếc, não úng thủy.

Viêm não do Herpes simplex

Khởi phát cấp tính với sốt, đau đầu, rối loạn tính cách, rối loạn ngôn ngữ và trí nhớ. Giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có rối loạn tri giác, có thể hôn mê, liệt nửa người.

 

Virút Herpes

Viêm màng não do lao

Là loại viêm màng não kéo dài (mạn tính) thường gặp nhất. Bệnh thường khởi phát bán cấp hoặc từ từ trong khoảng 1 - 2 tuần với sốt và đau đầu tăng dần. Trên lâm sàng, các dấu màng não thường kín đáo. Liệt các dây thần kinh sọ não là dấu hiệu thường gặp (dây VI, VII, III...). Trong các giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể lú lẫn, hôn mê, liệt các chi.

Biện pháp phòng bệnh

Để phòng chống bệnh viêm não, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, ăn chín uống sôi. Khi đi ngủ, cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong gia đình. Một số dạng viêm não đã có vaccin phòng bệnh, vì vậy, người dân nên tiêm phòng - đây là cách phòng bệnh tốt nhất. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Theo BS. Đức Hà/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm