Từ ngày 16/7, gần 170 học sinh, sinh viên kiều bào đang sinh sống và học tập trên khắp thế giới tham gia Trại Hè Việt Nam 2014 đã có mặt tại thành phố Đà Nẵng. Điểm tham quan đầu tiên ngay sau khi đặt chân đến thành phố là Bảo tàng Đà Nẵng.
Học sinh, sinh viên tham quan bảo tàng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Với học sinh, sinh viên kiều bào, lịch sử và văn hóa dân tộc luôn là những điều thú vị, thôi thúc họ khám phá và tìm hiểu. Có lẽ vì thế, dù đã trải qua chặng đường khá dài để đến với Đà Nẵng nhưng ai cũng háo hức khi được đến thăm Bảo tàng. Nơi đây không chỉ trưng bày những hiện vật lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Đà Nẵng mà còn lưu giữ gần 70 tư liệu, hình ảnh quý giá khẳng định chủ quyển của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nguyễn Hoàng Yến, đang sinh sống và học tập tại Liên bang Nga chia sẻ: "Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật rất thú vị, có nhiều hiện vật mà lâu nay em chỉ nghe mà chưa bao giờ nhìn thấy, đặc biệt là những tấm bản đồ và tư liệu lâu đời về lãnh thổ Việt Nam."
Nguyễn Lưu Vũ, đang học tập tại thủ đô Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tâm sự: "Sống bên Lào, chúng em chỉ được dạy lịch sử của Lào, ít khi học lịch sử Việt Nam nên khi được tới thăm Bảo tàng Đà Nẵng, em thích lắm. Bố mẹ em hay kể cho em nghe về lịch sử Việt Nam nhưng về đây được tận mắt nhìn thấy các tư liệu và nghe anh hướng dẫn viên kể, em càng hiểu và yêu hơn đất nước mình."
Những nét đẹp thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi tỉnh, thành nơi những người tham gia Trại Hè Việt Nam 2014 đi qua đều để lại những dấu ấn và cảm xúc riêng trong lòng của mỗi học sinh, sinh viên kiều bào.
Ngày thứ 2 của hành trình hấp dẫn các bạn trẻ bởi những cảnh đẹp thiên nhiên và đời sống của con người Đà Nẵng. Học sinh, sinh viên Việt kiều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bãi biển Mỹ Khê, ngắm cuộc sống của Đà Nẵng về đêm, đi thăm quan Làng đá mỹ nghệ Non Nước hay danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Với Nguyễn Nam Khánh, hiện đang sinh sống và học tập tại Cộng Hòa Séc, em đã chọn cách dùng ca từ để thể hiện tình yêu đó. Bài hát "Hướng về Biển đảo quê hương" đã ra đời chưa đầy một ngày sau khi Nam Khánh nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nam Khánh chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui khi mọi người đã đón nhận và ủng hộ bài hát này. Càng vui hơn khi nó được sử dụng đúng mục đích vào việc kêu gọi sự đoàn kết và yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam."
Sáng 18/7, đoàn tiếp tục hành trình đến thăm huyện Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, tại huyện đảo Lý Sơn, đoàn đến thăm tượng Đài tưởng niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và khu trưng bày Hoàng Sa nơi còn lưu giữ dấu tích của những đơn vị từ thời xa xưa được cử ra trấn giữ quần đảo Hoàng Sa; chào lãnh đạo huyện và giao lưu tặng quà với ngư dân, đồng thời tìm hiểu đời sống thực tế ngư dân tại huyện đảo.
Ngày 19/7, đoàn sẽ tham dự Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ tại chùa Linh Ứng, thành phố Đà Nẵng và tham gia chương trình truyền hình trực tiếp "Biển đảo quê hương tôi" tại Công viên Biển Đông, Đà Nẵng./.
VÕ VĂN TỨ (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hun-duc-tinh-yeu-que-huong-bien-dao-trong-lop-kieu-bao-tre/271565.vnp