Cập nhật: 27/07/2014 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá sẽ tạo cú hích lớn cho ngành này. Tuy nhiên, để triển khai chủ trương của Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi, để có hướng dẫn cụ thể thực hiện.

 

Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung chính tại Hội nghị triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chiều 24/7 tại Quảng Ngãi với sự tham gia của các đơn vị bộ, ngành, địa phương và đại diện hiệp hội nghề cá, ngư dân…

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, đặc điểm của đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, bị tàu nước ngoài quấy nhiễu… trong khi đó lại thiếu cơ chế cho vay, xử lý rủi ro đặc thù và công tác bảo hiểm cho tàu, thuyền chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Hiện nay, số lượng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có thể đánh bắt xa bờ chỉ có khoảng 28.248 chiếc, chiếm 24,5% tổng số tàu cá, số còn lại chủ yếu là những tàu nhỏ đánh bắt gần bờ và một số ngư trường gần bờ đã bị khai thác quá mức.

Việc đánh bắt xa bờ của ngư dân chủ yếu vẫn đơn lẻ, chưa thực sự hình thành các tổ đội sản xuất hỗ trợ nhau trên biển, giá trị đầu ra cho ngư dân chưa được đảm bảo.

Những khó khăn trên làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng tạo tâm lý e dè đối với các tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay lĩnh vực này.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Nghị định 67. Một số điều kiện cho vay (Điều 4) còn chưa thuận lợi với các ngư dân, có sự trùng lắp trong khâu thẩm định các phương án cho vay giữa địa phương và ngân hàng. Một số yêu cầu về vay vốn lưu động vẫn còn chưa cụ thể và phức tạp với không ít ngư dân, có hạn chế trong việc “thích nghi“ với các thủ tục ngân hàng.

Đại diện một số chủ tàu, ngư dân cũng đề nghị tăng thêm ưu đãi về thời gian trả nợ, tài sản đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn nữa.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị phối hợp, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng các chính sách quan trọng của Chính phủ nếu triển khai hiệu quả, bám sát với cuộc sống sẽ tạo ra sự đổi mới trong khai thác thủy sản, góp phần phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

Đại diện phía ngân hàng thương mại, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết: Thực tế, từ đầu tháng 6/2014, BIDV đã triển khai cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm hỗ trợ các chi phí khai thác, hậu cần, thu mua hải sản đối với ngư dân, hộ gia đình tại địa bàn các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa - đều là những tỉnh trọng điểm có lực lượng đánh bắt xa bờ tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1, là ngư trường lớn nhất cả nước.

Ngoài gói tín dụng 3.000 tỷ đồng thực hiện theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, BIDV cũng sẽ triển khai các gói tín dụng khác để hỗ trợ phát triển ngành thuỷ sản, như gói 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đóng tàu đảm bảo tiến độ đóng mới tàu cho ngư dân/chủ tàu. Gói 5.000 tỷ đồng theo hình thức BT, cho vay ứng trước đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn Nhà nước bố trí. Gói 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản. Gói 500 tỷ đồng gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.

Cũng tại Hội nghị, BIDV đã trao tặng 2 tàu vỏ sắt cho Tỉnh đoàn Bình Định, Quảng Ngãi để góp phần thiết thực hỗ trợ lực lượng Thanh niên xung kích ra khơi.

Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm