Ở nước ta, tính đầu dân số trên 15 tuổi sử dụng rượu bia - được tính bằng lượng cồn tối thiểu (RNC)- bình quân từ năm 2008 đến 2010 là 6,6 lít RNC, vượt 0,6 lít so với thế giới và dự báo đến 2015 sẽ là 7 lít/ người.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe và kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, Bộ Y tế chính thức đề xuất việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải những phản ứng tích cực và tiêu cực trong dư luận xã hội. Để dư luận hiểu đúng về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo chí chiều 23-7.
Quy định phù hợp với Chiến lược kiểm soát đồ uống có cồn của WHO
Quy định về ngày và giờ bán lẻ Đồ uống có cồn (bao gồm rượu, bia và đồ uống có cồn khác- ĐUCC) là một trong năm giải pháp can thiệp hiệu quả nhằm hạn chế tính sẵn có của ĐUCC mà Chiến lược toàn cầu về giảm tác hại của ĐUCC của WHO đã kiến nghị các quốc gia ban hành dưới dạng quy phạm pháp luật.
Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế- lý giải: “ Việt Nam là quốc gia (QG) thành viên của WHO nên phải nội luật hóa các quy định liên quan đến Chiến lược về kiểm soát đồ uống có cồn do WHO ban hành 2010. Quy định giờ bán rượu này được đa số QG trên thế giới thực hiện. Thí dụ: Có 90 QG quy định giờ bán lẻ (rượu mạnh), 87 QG quy định giờ bán lẻ (rượu nhẹ và bia). Hiện nay, Đông Nam Á có chín QG quy định về giờ cấm bán rượu bia. Trong đó, Thái Lan và Singapore giờ cấm bán là từ 14h-17 giờ và từ 24h hôm trước tới 11h trưa hôm sau. Các QG khác cấm bán lẻ uống tại chỗ thì tùy theo giờ nhất định. Thổ Nhĩ Kỳ giống dự thảo của Việt Nam. Nga cấm bán từ 22h đêm tới 10 giờ sáng. Một số bang của Mỹ cũng giống Việt Nam”.
Trên thực tế, quy định cấm bán rượu bia sau 22h hằng ngày là một trong những điểm nhấn tại dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng. Trên thực tế, việc cấm bán bia rượu sau 22h chỉ là một trong ba phương án để hạn chế mức độ sử dụng và tác hại của rượu bia mà Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến chứ chưa phải phương án cuối cùng.
Cụ thể, phương án 1 là: Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Phương án 2 là: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Phương án 3: Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật.
Theo bà Trần Thị Trang, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu bia, tuy nhiên nếu áp dụng cần nỗ lực cao trong thực hiện.
Vì sao cần quy định cấm bán rượu bia sau 22h
Nhiều người lo ngại là đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là chưa đủ cơ sở khoa học và chứng cứ pháp lý, đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định rằng, nhiều công trình khoa học đã nghiên cứu và khẳng định, cơ thể con người sau một ngày làm việc thì thời gian thích hợp để uống rượu bia là trong bữa ăn tối, còn sau 22h thì không thể dung nạp rượu bia. Nếu lạm dụng rượu bia lâu dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Các nước trên thế giới thường cấm bán cho khách hàng uống ngay tại chỗ, vì tránh sự hưng phấn, không làm chủ được hành vi, nói to hoặc cãi lộn, gây gổ, gây mất trật tự, làm ảnh hưởng chung quanh. Mặt khác, rượu bia cũng là một trong những yếu tố tác động đến việc rối loạn nhận thức, dẫn tới bạo lực gia đình, gồm có cả bạo lực tình dục.
Rượu bia cũng làm cho người tham gia giao thông dễ vi phạm quy định về an toàn giao thông, có thể tự gây tai nạn cho mình hoặc cho người khác. Bà Trần Thị Trang dẫn chứng, tại Việt Nam, 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân của 70% số vụ bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực tình dục…
Đề xuất này cũng dựa trên những cơ sở pháp lý của Việt Nam, như: Quyết định số244/QĐ-TTg ngày 12-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ và nhiều điềutrong những bộ luật khác.
Thực hiện nghiêm ngay rất khó
Đề xuất cấm bán rượu bia lần này của Bộ Y tế làm người ta nhớ lại một số quy định cấm, phạt, nhưng cuối cùng cũng chẳng cấm được ai, phạt được ai. Đó là quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, ai vi phạm sẽ bị phạt 100 ngàn đồng. Đã mấy năm trôi qua, chưa có bất cứ trường hợp nào bị phạt. Gần đây hơn là quy định cấm nghe điện thoại tại cây xăng, ai vi phạm bị xử phạt tới năm triệu đồng. Nhưng rồi cho đến nay, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa phạt được ai. Liệu quy định cấm bán bia, rượu sau 22h đến 6h hằng ngày sẽ được triển khai như thế nào trong thực tế và liệu có khả thi?
Thực tế từ xưa đến nay, nhiều người dân nước ta quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong” nên uống rượu, bia bất cứ thời gian nào. Vượt qua được trở ngại về nhận thức này cũng phải lâu dài. Hơn nữa, làm thế nào để giám sát, xử phạt được những người cố ý bán bia, rượu sau 22h đêm, mức xử phạt ra sao… đều không dễ thực hiện, vì chạm đến quyền lợi kinh tế của mỗi người.
Chiều 23-7, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, khi đề ra ba phương án, nếu quyết định lựa chọn phương án 1 thì sẽ cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện, bởi tổ soạn thảo quy định này đều ý thức rất rõ được những khó khăn và tính khó khả thi khi áp dụng trong thực tế.
Bà Trang phân tích, việc sử dụng rượu bia bất cứ giờ nào đã là một thói quen, ăn sâu vào trong tiềm thức của không ít người. Đây là nhóm quan hệ xã hội pháp luật khó điều chỉnh nhất, cần thời gian điều chỉnh dài hơn so với các nhóm quy phạm khác. Nhưng nếu lựa chọn phương án không làm gì – tức không cấm (phương án 3) hay chỉ cấm tại một số điểm (phương án 2) thì chắc chắn tác động của luật trong đời sống không cao và phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức tự điều chỉnh của người dân.
Việc một chính sách nào đó không thể đi vào cuộc sống đã cho thấy một thực tế: sự quan liêu, xa cách nhu cầu của cuộc sống, thậm chí có biểu hiện của việc thích ra mệnh lệnh trong quá trình làm chính sách. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà nước.
Theo HẰNG THU/Báo Nhân dân điện tử