Libya đang phải chứng kiến những căng thẳng gia tăng lên tới đỉnh điểm kể từ sau các cuộc lật đổ chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi hồi cuối năm 2011. Gần ba năm trôi qua, Libya vẫn không thể xây dựng một chính quyền mới ổn định.
Chính phủ Libya ngày 26/7 cảnh báo nguy cơ đất nước sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu các cuộc giao tranh giữa lực lượng vũ trang Zintan và các tay súng Misrata đối địch nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Tripoli vẫn tiếp diễn. Cùng với việc kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 13 ngày nay quanh sân bay nói trên, Chính phủ lâm thời Libya cảnh báo "đất nước sẽ bị phá hủy vì chiến tranh". Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh đã cắt đứt mọi kết nối hàng không giữa Libya với thế giới bên ngoài.
Theo thông báo của chính phủ Libya, những cuộc giao tranh giữa quân Chính phủ và các tay súng Hồi giáo suốt 2 tuần qua đã cướp đi 150 sinh mạng và làm hơn 400 người bị thương ở thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi.Chiến sự leo thang tại Tripoli cũng khiến các ngân hàng, trạm xăng dầu phải đóng cửa, nhiều khu vực bị cắt điện và thủ đô của nước Bắc Phi giàu dầu mỏ này gần như tê liệt.
Trong khi đó, Chính phủ Libya dường như tỏ ra bất lực trong việc thiết lập trật tự tại các khu vực xảy ra giao tranh, đồng thời cảnh báo nguy cơ đất nước sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu tình hình không sớm được cải thiện.Bộ Ngoại giao Libya đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ thiếu nhân viên y tế, đặc biệt tại thủ đô Tripoli. Tình trạng này một phần là do Philippines mới đây đã ra lệnh đưa 13.000 công dân đang làm việc tại Libya về nước, trong đó có nhiều bác sĩ, y tá và hộ lý.Tình hình bạo lực tại Tripoli cũng đã buộc các ngân hàng và trạm xăng dầu phải đóng cửa, trong khi điện bị cắt ngày một thường xuyên hơn, làm cả thủ đô tê liệt. Giá nhiên liệu trên thị trường đen đã lên tới 120 dinars (97 USD) cho 20 lít, trong khi mức giá niêm yết công khai chỉ là 3 dinars.Có thể thấy, Libya đang phải chứng kiến những căng thẳng gia tăng lên tới đỉnh điểm kể từ sau các cuộc lật đổ chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi hồi cuối năm 2011. Gần ba năm trôi qua, Libya vẫn không thể xây dựng một chính quyền mới ổn định. Quá trình chuyển tiếp chính trị gần như bị tê liệt bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, sắc tộc, đẩy tình hình an ninh đất nước đi tới chỗ khó kiểm soát. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua, Libya đã phải 3 lần thay Thủ tướng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 23/7 đã họp khẩn cấp về tình hình xung đột đẫm máu tại Libya và lên án tình hình này là "không thể chấp nhận được", đồng thời nhấn mạnh rằng không thể dùng bạo lực để đạt các mục đích chính trị.Phát biểu với các phóng viên tại Paris trước cuộc đàm phán về Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả tình hình tại Libya như một “vòng xoáy bạo lực đã mất kiểm soát” và coi đây là mối đe dọa thực sự với nhân viên Đại sứ quán Mỹ.
Chính vì thế, ngày 26/7, Mỹ đã sơ tán toàn bộ nhân viên Đại sứ quán tại Libya để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn sơ tán được lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Libya hộ tống chặt chẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marine Harf hôm 28/7 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ sơ tán các nhân viên khỏi Libya bởi tình hình ở Tripoli đang ngày càng mất ổn định. Bà Marine cũng xác nhận, khoảng 150 nhân viên Đại sứ quán, gồm cả 80 lính thủy đánh bộ, được đưa qua biên giới an toàn. Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Mỹ đã sử dụng ít nhất 2 máy bay chiến đấu F-16 và máy bay Osprey V-22 để bảo vệ phái đoàn ngoại giao từ Tripoli tới Tunisia.
Cùng ngày, Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo du lịch tới Libya, kêu gọi tất cả du khách cũng như công dân Mỹ ở Libya nhanh chóng rời khỏi đây. Mỹ cũng tuyên bố mọi hoạt động ở Libya đều bị tạm hoãn cho đến khi tình hình an ninh trở lại ổn định. Động thái trên của chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục thể hiện sự cảnh giác cao độ về vấn đề an toàn của nhân viên Mỹ ở nước ngoài. An ninh tại Libya là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với Mỹ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Benghazi ngày 11/9/2012 khiến Đại sứ Chris Stevens và 3 quan chức ngoại giao khác thiệt mạng.
Cũng trong ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Anh cũng thúc giục các công dân nước này rời khỏi Libya ngay lập tức do tình hình “giao tranh ngày một dữ dội và bất ổn gia tăng tại đây”
Trong cảnh báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh: “Do tình hình an ninh xấu đi, Pháp sẽ đề nghị công dân nước này rời khỏi Libya”.Trước đó, các nước như Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự, trong bối cảnh 2 tuần giao tranh tại thủ đô Tripoli của Libya. Trong khi đó, Czech, Malta, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy khuyến cáo công dân nước mình không đến Libya. Riêng Thụy Điển còn hối thúc công dân rời khởi thành phố lớn thứ hai của Libya là Benghazi.
Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khoảng 700 nhân viên khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Hôm 20/7, Bộ Ngoại giao Philippines ra lệnh sơ tán khoảng 13.000 công dân nước này khỏi Libya. Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết quyết định sơ tán công dân của mình khỏi Libya là nhằm "phản ứng với tình hình an ninh và chính trị vô cùng bất ổn" tại Libya. Cơ quan ngoại giao Philippines cũng cấm công dân nước này đến Libya.
Theo Nguyễn Chiến/Chinhphu.vn