Để nước ta có thể giàu từ biển, mạnh từ biển, cần quan tâm một cách đầy đủ đến "tam ngư" trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
"Tam ngư" - ngư nghiệp, ngư dân, ngư thôn (làng cá) - là một bộ phận cấu thành của tam nông theo nghĩa rộng. Tuy nhiên tam ngư có đặc thù riêng, có vai trò rất quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), một số ngành, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của tam ngư trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp trên Biển Đông.Một số nơi trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tam nông còn phiến diện, chưa quan tâm đầy đủ đến đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân ở các làng cá thuộc tuyến đảo và ven biển; chưa nhận thức được sự giống và khác nhau giữa tam nông và tam ngư ; áp dụng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với từng vùng; đầu tư còn dàn trải, chưa coi trọng công tác bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực ở vùng biển và hải đảo…
Để hiểu sâu sắc hơn vấn đề này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần đổi mới về nhận thức.
Nước ta nằm ở phía Tây của Biển Đông, có diện tích vùng biển kinh tế đặc quyền 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền) và hơn 4.000 đảo lớn nhỏ, có chiều dài bờ biển 3.260km, bình quân 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới, mặt tiền của nước ta mở ra cả 3 hướng Đông, Đông Nam và Tây Nam thuận lợi cho phát triển ngư nghiệp, trong khi đó diện tích trên đất liền chỉ có hơn 300.000km2.
Sản xuất ngư nghiệp còn nhiều rủi ro
Nông nghiệp và ngư nghiệp có những điểm khác nhau.
Ngư nghiệp-ngư trường có tính cộng đồng, sử dụng chung, nguồn lợi thủy sản luôn di cư từ vùng biển này đến vùng biển khác, từ ven biển ra đại dương. Các loài thủy sản sống xen kẽ ở các tầng nước, muốn đánh bắt được phải điều tra nguồn lợi ở các ngư trường và sử dụng nhiều loại thiết bị ngư cụ khác nhau… Trong khi đó nông nghiệp có ruộng đất cố định, sử dụng riêng rẽ của từng hộ nông dân, khai thác chủ yếu trên bề mặt của ruộng đất…
Ngư nghiệp là một ngành công nghiệp, mỗi con tàu là một nhà máy, sản xuất theo chuỗi bao gồm nhiều công đoạn: Thăm dò ngư trường, tìm kiếm nguồn lợi, tổ chức đánh bắt theo từng đối tượng bằng các con tàu có tính năng riêng, trang thiết bị, ngư cụ khác nhau như lưới vây, lưới kéo, lưới rê, câu mực, câu cá ngừ đại dương… Sau khi khai thác được phải tiến hành phân loại, ướp đá, cấp đông, bảo quản vận chuyển về bờ để chế biến hoặc chuyển lên tàu dịch vụ hậu cần vận chuyển về các trung tâm nghề cá, các nhà máy chế biến để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, nguồn vốn cố định, lưu động để đóng con tàu, mua trang thiết bị, ngư cụ… chi phí cao hơn rất nhiều so với sản xuất nông nghiệp.
Ngư nghiệp và nông nghiệp giống nhau ở chỗ đều chịu sự tác động của thiên nhiên, hạn hán, bão lụt, biến đổi khí hậu; đều sản xuất theo thời vụ, nguyên liệu là động thực vật sống dễ bị hư hỏng, nhất là trong điều kiện nhiệt đới ở nước ta. Tuy vậy đối với sản xuất ngư nghiệp không ổn định, mức độ rủi ro cao hơn so với nông nghiệp, thường gặp tai nạn, thiên tai, địch họa bất ngờ, nếu không tổ chức thành các nghiệp đoàn để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Các làng cá ven biển và tuyến đảo thiếu phương tiện thông tin, giao thông không thuận lợi, thiếu điện, nước ngọt, trường học, trạm xá, là địa bàn đầu tiên hứng chịu bão lụt, nước biển dâng, chịu nhiều rủi ro hơn so với các làng xã nông nghiệp trên đất liền…
Tư liệu sản xuất chính bảo đảm cho cuộc sống của ngư dân là mặt biển, ao đầm nuôi trồng thủy hải sản (đối với nông dân là ruộng đất); sản xuất trên biển đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe tốt, chịu được sóng gió, lao động với cường độ cao nên họ “nghỉ hưu” sớm hơn nông dân; tốc độ sinh sản của dân cư ở vùng ven biển, hải đảo cao hơn so với cả nước, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn, lớp trẻ lớn lên không được đi học, phải theo cha ra biển làm nghề hoặc làm thuê cho các chủ tàu, vì vậy tỷ lệ mù chữ ở làng cá ven biển và hải đảo cao hơn các làng xã trong đất liền.
Đầu tư tương xứng là yêu cầu cấp bách
Từ phân tích trên cho thấy, đầu tư cho “tam ngư” là một yêu cầu khách quan và hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy Nhà nước, địa phương, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cả cộng đồng tạo điều kiện cho ngư nghiệp, ngư dân, làng cá phát triển, có giải pháp đồng bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nghề cá ở tuyến đảo và ven biển… Xây dựng các trung tâm nghề cá bao gồm cảng cá, nơi đậu tàu thuyền tránh gió bão, đóng mới, sửa chữa tàu cá, nhà máy chế biến, các chợ cá… ở ngư trường trọng điểm; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để nâng cấp, phát triển đội tàu đánh cá xa bờ, tàu dịch vụ, hậu cần, tìm đầu ra cho các sản phẩm thủy sản… Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở tuyến đảo và ven biển, lấy làng cá, bến cá, chợ cá làm trung tâm…
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu, tập trung xóa nạn mù chữ, phổ cập trung học cơ sở, mở rộng đào tạo nghề bằng các lớp tập huấn, ngắn hạn tại chỗ, tổ chức các khóa đào tạo cấp tốc cho ngư dân về khoa học công nghệ, kiến thức về nghề nghiệp, về an ninh quốc phòng, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu… đồng thời nâng cấp, phát triển các trung tâm huấn luyện ngư dân, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, cử nhân, kỹ sư, thuộc các lĩnh vực: Điều tra nguồn lợi, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thiết kế, đóng sửa tàu thuyền, mở rộng hợp tác quốc tế, liên doanh với Nhật Bản, Hàn Quốc trong các lĩnh vực nghề cá…
Có như vậy mới thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ”. Nhân dân ở đây chính là ngư dân, họ là lực lượng chính thường xuyên có mặt trên các ngư trường, tàu thuyền của họ là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mỗi làng cá trên đảo và ven biển là những pháo đài vững chắc bảo vệ mặt tiền của đất nước, đồng thời cũng là căn cứ hậu cần phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển để nước ta giàu từ biển, mạnh từ biển.
TS. Hồ Văn Hoành
(Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam)
Theo Chinhphu.vn