Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, tăng cường quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển các nước láng giềng
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập ngày 28/8/1998. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các Điều ước Quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là hiện nay, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ và yếu tố khó lường, lực lượng cảnh sát biển ngày càng lớn mạnh và phát triển, được trang bị các phương tiện tương đối hiện đại trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ an ninh trật tự trên biển. Về nội dung này PV VOV phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
PV: Thưa thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, 16 năm xây dựng và phát triển, đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; chống buôn lậu và gian lận thương mại; phòng, chống tội phạm ma túy và cứu hộ, cứu nạn của Cảnh sát biển Việt Nam?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng Cảnh sát biển đã vượt qua khó khăn thử thách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển; xua đuổi 4.500 tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, bắt và xử lý 130 tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, xử lý theo pháp luật; tổ chức 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát. Đã tiến hành kiểm tra 10.821 lượt tàu thuyền các loại; xử phạt vi phạm hành chính 4.687 lượt tàu thuyền; số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Trong công tác đấu tranh chống vi phạm, tội phạm, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, khám phá 774 chuyên án, vụ án. Bắt giữ hơn 1.461 đối tượng, tang vật thu giữ gần 1.000 bánh heroin; 1,72 kg thuốc phiện; 8160 kg nhựa cần sa; trên 100.000 viên ma tuý tổng hợp; 27 khẩu súng và 607 viên đạn các loại.
Điển hình vào 14 giờ ngày 17/8/2014 tại khu vực Sở Dầu - Quận Hồng Bàng - Thành phố Hải Phòng Cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1 chủ trì, cùng với các lực lượng phối thuộc bắt quả tang 3 đối tượng. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm: 11 túi ni - lông chứa các chất ma túy có trọng lượng 13 kg ma túy tổng hợp, trong đó có 5 kg ma túy dạng đá, 8 kg thuốc lắc (hơn 20.000 viên), hơn 20 triệu đồng, 8 diện thoại di động, 2 xe máy và nhiều tang vật khác. Đây là vụ mua bán ma túy tổng hợp lớn nhất cả nước từ trước tới nay đã bị Cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1 triệt phá. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng phối hợp trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Được cấp trên ghi nhận đánh giá cao.
Đặc biệt tháng 11/2012, Vùng Cảnh sát biển 3 đã bắt gọn toán cướp biển gồm 11 tên mang quốc tịch Indonesia, giải cứu thành công tàu Giafi Rah, Quốc tịch Malaysia trên vùng biển Vũng Tàu, được dư luận quốc tế và khu vực đánh giá cao.
Lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với các lực lượng điều tra, bắt giữ và xử lý 150 vụ có dấu hiệu vi phạm; khởi tố 22 vụ án hình sự; bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 180 vụ; tịch thu hàng trăm nghìn tấn than; hàng chục nghìn m3 xăng, dầu; 10.382 tấn quặng (Crôm và Titan); 49,8 m3 gỗ quý hiếm (trong đó có hơn 20 tấn là gỗ trắc); 917,822 m3 xăng A92 và nhiều tang vật, tài sản có giá trị khác.
Cảnh sát biển còn phối hợp với các lực lượng bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên biển, từ ngày thành lập đến nay Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện 59 vụ tìm kiếm, cứu nạn xa bờ ở các vùng biển miền Trung, Tây Nam và Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cứu kéo được hàng trăm phương tiện, cấp cứu, hỗ trợ hàng ngàn ngư dân, cung cấp hàng nghìn lít dầu, thuốc men, lượng thực, thực phẩm cho các ngư dân bị nạn.
Với những thành tích đạt được Cảnh sát biển Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 6 Huân chương chiến công các hạng; 01 Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 04 năm được Chính phủ tặng Cờ thưởng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn quân….
Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam đã xây đắp lên truyền thống vẻ vang “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”.
PV: Trước tình hình an ninh trật tự trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, về phương châm xử lý của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Đảng, Nhà nước ta có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đặc biệt coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, phương châm xử lý của Cảnh sát biển Việt Nam là khẳng định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực, tuyên bố của các bên ở Biển Đông, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; những nguyên tắc cơ bản theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong giải quyết vấn đề trên biển; chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực; tích cực đóng góp cho sự hợp tác vì hòa bình; Đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, chống cướp biển; Cảnh sát biển Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự.
Với phương châm, cách xử lý như vậy Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, để các vùng biển của nước ta luôn hòa bình, hữu nghị, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Thưa Thiếu tướng, để tiếp tục phát huy truyền thống, trong thời gian tới Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ có những giải pháp nào để nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; phải kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Trong quá trình phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề của mình, góp sức cùng cả nước phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Thế hệ cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển hôm nay phải có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho. Đó là tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát nắm chắc tình hình mặt biển, các hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây mất an ninh trật tự, an toàn trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm. Phối hợp với các lực lượng chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra theo đúng phương châm, tư tưởng chỉ đạo và đối sách của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với thông lệ quốc tế. Góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trên các vùng biển của Tổ quốc.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Công tác huấn luyện chiến đấu của Lực lượng Cảnh sát biển phải theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, trang bị hiện nay và những năm tới, theo kịp sự phát triển của tình hình và phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chất lượng công tác huấn luyện của Lực lượng Cảnh sát biển phải đạt được mục tiêu “Nghiệp vụ tinh thông - Kỷ luật nghiêm minh - Phẩm chất chính trị vững vàng - Sức khỏe dẻo dai”.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, nhất là ở vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp, sóng to, gió lớn, tạo điều kiện cho các ngư dân yên tâm bám biển để khai thác đánh bắt hải sản; chủ trì phối hợp với các lực lượng phát hiện, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển của ta và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, phòng chống tội phạm ma túy.
Tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Để làm được điều đó, các đơn vị Cảnh sát biển phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong nội bộ và trong nhân dân, nhất là những nội dung liên quan đến pháp luật về biển, đảo. Qua đó nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, của mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tham gia bảo vệ, khai thác tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường biển.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, tăng cường quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển các nước láng giềng và trong khu vực, đóng góp tích cực vào các hoạt động của tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, xây dựng vùng biển hoà bình, ổn định và phát triển, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với truyền thống 16 năm xây dựng và trưởng thành, tôi tin tưởng cán bộ, chiến sỹ trong Lực lượng Cảnh sát biển sẽ chung sức, chung lòng triển khai thực hiện tốt các nội dung trên. Đây là những điều kiện, nhân tố quyết định đảm bảo cho lực lượng có đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng mới.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!./.
Thu Lan/VOV1 (thực hiện)/VOV.VN