Cập nhật: 13/09/2014 16:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trên chiếc tàu HQ-996 của Hải quân ra với Trường Sa, giữa mênh mông trời nước, tôi lại mường tượng ra vài trăm năm trước, những dân binh cắp chiếu bó sợi dây mây từ biệt hòn cù lao Ré, phụng mệnh nhà Nguyễn xuống thuyền đi trấn giữ Biển Đông, khai thác sản vật, tìm lượm hóa vật và đo vẽ bản đồ. Chiếc thuyền bầu nhỏ nhoi như dấu chấm trồi ngụp giữa đại dương, những hòn đảo hoang vu ken dày tổ yến, những loài chim dạn dĩ không biết sợ người... Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua ban phải quyết lòng ra đi...

Câu ca bi tráng từ ngàn xưa vẳng tới. Trên boong tàu Hải quân giữa biển đêm đen thẳm mịt mù, tôi lại thấy đâu đây ẩn hiện cánh buồm nâu và tiếng gió ù ù mang hồn thiêng của Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải còn lộng vang trên sóng...

Từ điểm xuất phát là Quân cảng Cam Ranh, con tàu chở gần 200 người của đoàn công tác số 8 cùng hơn 40 thủy thủ, đã đưa chúng tôi đến hòn đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa. Giữa đại dương xanh biếc, Song Tử Tây hiện lên như một thành phố biển xinh đẹp với những cánh quạt gió lấp lánh quay trong nắng sớm, mái ngói đỏ hiền hòa và màu xanh của cây cối tốt tươi chạy một đường viền quanh đảo.

Tôi đứng lặng nhìn. Hơn một vạn năm trước, từ đầu kỷ địa chất Holocen, hơn 300 loài san hô đã xây từ biển xây lên một thế giới mới bằng khối thân thể hóa thạch vĩ đại của mình. Và cũng trong suốt vạn năm đó, đã bay đến những đảo này biết bao nhiêu là chim, để lại bao lớp hạt, lớp phân cho cây cỏ mọc lên, để đến nay, trên tấm bản đồ lãnh thổ của chúng ta có được những chấm xanh kỳ diệu.

Ý niệm về Tổ quốc càng rõ rệt hơn khi chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo, nhất là khi lễ chào cờ được bắt đầu. Trong nắng tươi vàng, màu áo trắng Hải quân lấp lóa, lời thề quân nhân sang sảng vang lên. Tôi bồi hồi nhớ lại, cách đây 39 năm, ngày 14/4/1975, Song Tử Tây là hòn đảo đầu tiên trong quần đảo Trường Sa được bộ đội ta tiến vào giải phóng.

Khi ấy, cây cối trên đảo còn thưa thớt. Ngay gần lối đi vào đảo, tôi tìm thấy một cột bia khá lớn, cũ kỹ rêu phong, trên bia hiện lờ mờ những chữ khắc chìm: Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy - phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956... Năm tháng qua đi, giữa sóng gió biển khơi, tấm bia vẫn còn đó, một chứng tích cho chủ quyền bất khả xâm phạm của nước Việt đối với Trường Sa, nó tồn tại ở bất cứ chính thể nào.

Chiến sĩ Hải quân Việt Nam tuần tra trên đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Internet

Tôi theo các đoàn đại biểu ra làm lễ dâng hương trước tượng đài Hưng Đạo Đại Vương. Trên cao, vị Quốc công Tiết chế sừng sững, uy nghi nhìn ra biển xanh, nhắc nhở những chiến công gắn với tài thủy chiến của người Việt ta trong lịch sử. Sự hiện diện của người anh hùng dân tộc ở nơi biển đảo xa xôi này, làm vững lòng mọi người dân và chiến sĩ. Khi sang đảo Nam Yết, tôi lại thấy tượng đài Đức thánh Trần đang trong quá trình xây dựng, mới chỉ có bệ tượng. Giá như trên mỗi đảo dựng riêng tượng một vị anh hùng, như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt... - đều là những cái tên gắn với chiến công lẫy lừng trên sông nước, nay làm hồn thiêng trấn giữ Biển Đông! Tôi thầm nghĩ.

Rời Song Tử Tây, tàu đưa chúng tôi đến thăm các đảo Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Sinh Tồn... Tám hòn đảo chúng tôi qua, mỗi nơi ngoài những mẫu hình chung lại mở ra nhiều nét mới. Đảo nổi luôn mang phong cách một thành phố biển duyên dáng, khiêm nhường. Đảo chìm giống những pháo đài cổ kính bé nhỏ, hiên ngang. Tất cả hiện hình kiêu hãnh từ biển xanh, như những phiên bản vừa lạ lẫm vừa gần gũi, thân quen của dáng hình Tổ quốc.

Dẫu còn gian khổ nhưng vẫn bình thản, an nhiên. Xã đảo Sinh Tồn có một ngôi trường sáng đẹp dành cho hai thầy giáo và bốn học trò, cả tiểu học và mầm non học chung trong một lớp ghép. Không để tâm đến những con mắt tò mò của khách, cùng tiếng sóng ngoài kia ào ạt xô bờ, thầy vẫn giảng và trò vẫn học, sôi nổi, tự nhiên. Ở đảo Trường Sa, khách đến thăm có thể chơi bóng với lính đảo vào lúc hoàng hôn và cùng các anh ngồi trò chuyện dưới tán cây tra.

Thiên nhiên tô điểm cho đời sống thường ngày của lính như vậy và ở các đảo, không gian còn đẹp thêm bởi các chàng lính biển tươi tắn, lãng mạn. Đến xã đảo nào cũng gặp các chị cùng bé trai, bé gái mặc áo trắng, yếm xanh, theo kiểu quân phục mùa hè của chiến sĩ Hải quân và trên nóc những ngôi chùa, hình bánh xe pháp luân - như một duyên kì ngộ - vừa là biểu tượng của Phật giáo, vừa giống hệt... chiếc vô lăng tàu thủy, một biểu tượng của lính biển Việt Nam!

Đêm ấn tượng nhất đối với tôi trong mười ngày lênh đênh trên biển chính là đêm trên đảo Sơn Ca, cũng là đêm duy nhất trên đảo trong suốt cuộc hành trình. Đảo Sơn Ca, ban ngày cũng bình lặng như các đảo khác, đêm xuống bỗng trở thành đại nhạc hội náo nhiệt tưng bừng.

Sân khấu dã chiến được dựng lên ngay bên cột bia chủ quyền, nữ nhà thơ quân đội Phạm Vân Anh xuất hiện với vai trò MC nghiệp dư, nhưng rất linh hoạt, tài hoa, ngay lập tức làm nóng lên không khí toàn đảo. Đoàn Nghệ thuật Hải Đăng của tỉnh Khánh Hòa với những nữ ca sĩ 9X xinh xắn, nhiệt tình sẵn sàng vắt kiệt khả năng và sức trẻ của mình, đã làm sôi động tinh thần lính đảo đến mức không thể sôi động hơn. Những tiết mục đầy ngẫu hứng với sự tham gia của lính làm chương trình kéo dài.

Trên bãi vụn san hô trắng ven đảo Trường Sa, tôi đã mải mê ngắm những bụi cây bão táp mọc um tùm, cao lút đầu người. Ở những nơi bão táp mọc thành vùng tươi tốt, nếu để mắt vào những kẽ lá xanh mỡ màng như lụa, sẽ thấy lấm tấm những bông hoa trắng nhỏ năm cánh, tinh khiết và dịu dàng. "Gió muối tàn bạo không tàn phá nổi chúng. Cây bão táp là vậy, phủ xanh đảo, chắn sóng, chắn gió và che mắt kẻ thù" - Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Tham mưu trưởng đảo Sinh Tồn nói với tôi như thế.

Đặc sắc nhất vẫn là phong ba, loài cây chỉ nghe cái tên đã thấy kiêu hãnh và sang trọng. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi đã yêu say đắm loài cây nom rất cổ quái này. Vỏ đen sì, nứt nẻ rạch những đường sắc sảo và đẹp như tranh vẽ, phong ba cuồn cuộn vươn tỏa tán rợp mênh mông, có cây ngả rạp xuống cát như một con trăn đang gồng mình trước bão.

Ở ven đảo Trường Sa, tôi bắt gặp một cây phong ba kỳ lạ như thế. Thoạt nhìn, nó như một con rồng đen kịt từ biển bò lên, rúc đầu vào bụi bão táp và ngủ quên, từ triệu năm về trước. Bao mùa bão đi qua, nó phơi những cành khô quắt giữa trời xanh, xác xơ như hàng giá nến. Nhưng con rồng không chết. Trên phần thân già cỗi xù xì đã trổ ra những cụm lá mới, mặt phủ lông óng ánh bạc, nom như những đóa hoa xanh.

Điều đặc biệt là ở những thân phong ba đổ rạp, vươn ngang, lại đâm chồi và trổ rễ phụ cắm sâu vào cát, như bàn tay bấu giữ chặt lấy đảo, một li không bỏ, một tấc không rời. Vừa bám trụ, cố thủ đến kiệt cùng, vừa quyết liệt nảy nở, hồi sinh. Tôi chưa thấy cây nào đẹp và giàu ý nghĩa như thế. Đó cũng chính là con người ở Trường Sa, là khí phách Trường Sa.

Cũng trên quần đảo này, con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau, nương tựa vào nhau sâu sắc, bền chặt. Đảo Nam Yết rợp bóng dừa, đảo Trường Sa đẫm sắc tra, Song Tử Tây hùng vĩ dáng phong ba và Sinh Tồn nhỏ xinh được bọc trong màu xanh của mù u, phi lao, đa, bàng, bão táp. Dừa và tra là những loài giữ nước, cây bão táp dùng làm thuốc, lá phong ba chữa rắn cắn và lá bàng vuông thay thế lá dong cho lính gói bánh chưng khi Tết đến xuân về... Công cuộc xanh hóa Trường Sa không chỉ giúp điều hòa sinh thái môi trường, mà còn ngọt hóa nguồn nước trên các đảo, làm cho các giếng nước lợ ngọt thêm.

Trong buổi tối trên đảo Trường Sa - hòn đảo cuối cùng đoàn công tác ghé thăm, tôi đã kịp ngồi ít phút dưới tán cây bàng vuông với Thượng tá Phạm Văn Hòa, Chỉ huy trưởng của đảo. Anh nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp luôn là nhiệm vụ của chúng tôi. Môi trường ấy tạo cho con người ý thức phải soi mình vào thiên nhiên, hòa quyện với thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, để từ đó bản thân mình cũng có phong cách đẹp, nét sống đẹp.

Xưa nay người ta chỉ lấy con người làm gương cho con người, không ai nói con người lấy thiên nhiên làm gương. Sự trân trọng vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên cùng ý thức sống hòa hợp với môi trường tự nhiên sâu sắc đến nhường ấy, chỉ có được ở những tâm hồn thực sự tinh tế. Người cán bộ đã ở quần đảo Trường Sa 7 năm này, hẳn là một con người am hiểu văn chương, nghệ thuật, nhạy cảm và sâu lắng, tôi tin vậy, tiếc là cho đến lúc chia tay, do anh đang bận rộn, tôi chưa kịp khám phá điều này!

Thiên nhiên đẹp, ứng xử giữa con người với con người trên đảo cũng đẹp, nhân văn. Chỉ huy trưởng Phạm Văn Hòa cho biết: "Quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ ở đây có nét truyền thống của bộ đội kháng chiến ngày xưa. Rất hòa hợp, thương yêu, bao dung, độ lượng, "tướng sĩ một lòng phụ tử", như trong Đại cáo bình Ngô và Hịch tướng sĩ vậy. Có lần một chiến sĩ phải mổ ruột thừa tại Bệnh xá Trường Sa, chỉ huy đảo đã thức trắng đêm ở đó, lo lắng như mổ cho chính mình".

Và điều ấy đã được minh chứng ngay khi con tàu của chúng tôi rời đảo. Gần như toàn bộ quân dân trên đảo đã ra đứng bên cầu cảng, tiễn chúng tôi và tiễn một đồng chí bác sĩ quân y hết thời hạn công tác tại đảo Trường Sa, theo tàu trở về đất liền. Cán bộ, chiến sĩ và dân đảo đứng thành ba, bốn hàng dài, rợp một màu áo trắng Hải quân. Nhiều người cố rướn lên, nắm lấy tay anh bác sĩ đứng trên lan can tàu. Một chị đứng khóc nghẹn ngào. Tàu kéo còi, tôi ngoái lại vẫn thấy những hàng người đứng vẫy theo, màu áo trắng sáng lên trong đêm tối./.

  

Theo Chuyên trang Biengioilanhtho cua Chinhphu.vn

Tệp đính kèm