Điện Quốc gia chuẩn bị đấu nối trên đảo Lý Sơn là cơ hội để huyện đảo phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển kinh tế biển.
Huyện đảo Lý Sơn có hơn 60% lao động làm nghề biển và là một trong những địa phương có đội tàu khai thác hải sản nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ nghề biển, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân là trước đây Lý Sơn chưa có điện lưới Quốc gia nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Điện Quốc gia chuẩn bị đấu nối trên đảo Lý Sơn là cơ hội để huyện đảo phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có phát triển kinh tế biển.
Người dân Lý Sơn đổ xô mua sắm đồ điện tử, điện lạnh. (ảnh: CA TP HCM)
Cảng neo trú tàu thuyền của huyện Lý Sơn hiện chỉ có khoảng 200 tàu thuyền ra vào neo đậu. Chính vì vậy, nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn không về đây neo đậu mà đi nơi khác.
Nguyên nhân do vũng neo đậu nơi đây chật hẹp và dịch vụ hậu cần dường như không có gì. Ông Phạm Văn Ninh, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết, mỗi khi có mưa bão ngư dân Lý Sơn phải đưa tàu thuyền vào các cảng trong đất liền để neo đậu. Mùa mưa bão năm ngoái, tàu thuyền chen chúc nhau vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đã có 6 tàu va chạm vào nhau làm hư hỏng nặng, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.
Tại huyện đảo Lý Sơn chỉ có một cơ sở sửa chữa và đóng mới tàu thuyền nhưng quy mô nhỏ. Cơ sở này cũng chỉ sửa chữa lặt vặt, nếu cần sửa chữa lớn hoặc đóng mới tàu thuyền ngư dân Lý Sơn phải vào đất liền. Không chỉ vậy, từ những viên đá lạnh để ướp cá đến các nhu yếu phẩm phục vụ đánh bắt xa bờ ở đây đều thiếu, giá cả cũng đắt đỏ hơn so với đất liền. Do đó, ngư dân Lý Sơn thường đưa tàu cá của mình vào đất liền mua sắm chuẩn bị cho những phiên biển mới mặc dù tốn thêm chi phí nhiên liệu đi lại.
Ông Nguyễn Văn Tịnh, ngư dân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: “Chúng tôi ra vào cũng rất tốn kém, phải mất hơn 200 lít dầu và tính ra giá cũng từ 4-5 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cho biết, Lý Sơn chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá nên việc tiêu thụ, chế biến hải sản còn khó khăn; chưa giải quyết lao động trực tiếp trên bờ... Do đó, việc xây dựng dịch vụ hậu cần nghề cá là điều mong muốn của ngư dân Lý Sơn. Ông Chinh nói: “Chúng ta muốn giúp ngư dân và địa phương có nguồn doanh thu, cần tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá để cung ứng vật tư cho ngư dân và thu mua hải sản cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân khỏi tổn phí đi lại nơi khác bán...”.
Một trong những nguyên nhân dịch vụ hậu cần nghề cá ở Lý Sơn còn hạn chế là do Lý Sơn chưa có điện Quốc gia. Trước đây, không ít doanh nghiệp đến khảo sát rồi lại đi. Chính vì vậy, cuối tháng 9 này khi dòng điện quốc gia chính thức được đấu nối vào đảo Lý Sơn sẽ mở ra cơ hội cho Lý Sơn phát triển toàn diện; trong đó có kinh tế biển được xác định là một trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khi điện lưới quốc gia được hoà mạng, hoạt động 24/24, đẩy tốc độ kinh tế huyện tăng cao. Trong đó huyện cũng kỳ vọng kinh tế biển với du lịch. Đối với kinh tế biển, huyện đang định hướng kêu gọi các thành phần kinh tế để đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá cũng như cơ sở chế biến, sơ chế thủy hải sản trên địa bàn”./.
Theo Anh Vinh/VOV.VN