Trong dạy học về vấn đề chủ quyền trên biển, nội dung tài liệu và cách tiếp cận bấy lâu nay của chúng ta còn nhiều bất cập mà điển hình là vấn đề về những quần đảo khi Trường Sa và Hoàng Sa hiện đang là những huyện đảo.
Một giờ học địa lý.
Với 3.260km bờ biển có nhiều tiềm năng, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nước ta đã được Nhà nước định hướng trong chiến lược phát triển biển đảo và Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi tìm hiểu biển đảo, việc giáo dục cho các thế hệ học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải là rất cần thiết..
Trong dạy học về vấn đề chủ quyền trên biển, nội dung tài liệu và cách tiếp cận bấy lâu nay của chúng ta còn nhiều bất cập mà điển hình là vấn đề về những quần đảo khi Trường Sa và Hoàng Sa hiện đang là những huyện đảo.
Đành rằng trong các sách giáo khoa lịch sử, địa lý từ xưa đến nay đều có đề cập và khẳng định chủ quyền của nước ta về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng những nét chính về lịch sử của các quần đảo này lại không hề được nói đến. Mấy chục năm qua, nội dung sách giáo khoa của chúng ta về vấn đề này hầu như không thay đổi. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn được coi là kim chỉ nam thật sự cho giáo viên về vấn đề này.
Thực tế nhiều giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ rất ngại khi bị dự giờ hoặc đi thi giáo viên giỏi mà gắp thăm phải bài học có dính dáng đến biển đảo trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi sách giáo khoa không nói thì giáo viên nên nói thêm với liều lượng thế nào cho phải, không nói thì sợ bị đánh giá không cập nhật, mà nói thì sợ quan điểm của các thành viên trong ban giám khảo khác nhau. Ngay trên chương trình thời sự hàng ngày, mục Dự báo thời tiết cũng nên đưa tin thời tiết một cách thường xuyên về hai huyện đảo xa xôi này và không nên vô tình để khung bảng thời tiết che lấp mất 2 quần đảo thân yêu của Tổ quốc ta.
Đối với học sinh, việc hiểu chủ quyền và lịch sử lãnh thổ của các em còn rất hạn hẹp. Mục tiêu dạy học cơ bản của lịch sử - địa lí là cho học sinh nắm được nét điển hình tiêu biểu của lãnh thổ thì chúng ta đã không đạt được khi quên nói kỹ về hai huyện đảo đặc biệt giữa muôn trùng sóng gió.
Nước ngoài có những bước tiến rất xa so với chúng ta, đó là nghiên cứu, quảng bá trong nước và quốc tế về những hòn đảo đang tranh chấp. Sự quảng bá của họ ít nhiều đã có hiệu quả mà sự kiện tiêu biểu là việc National Geographic Society (Hội Địa lý quốc gia Mỹ) tháng 3/2010 khi vẽ bản đồ đã ghi chú sai lệch tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (quần đảo Tây Sa), theo cách định danh của người Trung Quốc, kèm chú thích “China” ngay phía dưới.
Bộ Ngoại giao nước ta đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về vấn đề biển đảo, đó là “Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của mình đối với quần đảo này”. Nhà nước ta cũng đã công bố nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo… Rất tiếc, quan điểm đó đã không được cập nhật trong trường học dẫn đến sự hiểu biết hạn hẹp của nhiều học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo Suckhoedoisong.vn