Bong gân nghĩa là bong các tổ chức bám quanh khớp do bị chấn động mạnh quá mức, thường xảy ra sau một chấn thương gián tiếp khi chạy nhảy, trượt ngã.
Khớp cổ chân, khớp gối và khớp cổ tay là nơi dễ bị bong gân nhất. Người bệnh thường thấy cổ tay, cổ chân không có lực, đau nhức ở điểm bám của dây chằng vào xương hoặc đau dọc theo dây chằng, khớp có thể sưng nề, nóng, làm trở ngại hoạt động.
Trường hợp nặng, dây chằng khớp bị đứt, hoặc bị bong điểm bám làm cho khớp lỏng lẻo, có thể có cử động bất thường sang hai bên, thường gặp ở khớp gối. Lúc này người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí.
Trường hợp nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn, chấn thương chỉ gây các rối loạn sinh lý, khớp không có cử động bất thường, thường gặp ở khớp cổ chân. Cần dùng nẹp bất động hoặc dùng băng cố định rồi dùng các bài thuốc sau đây:
Thuốc đắp ngoài: lá chìa vôi, lá bạc thau, lá đau xương, lá cúc tần, lá thầu dầu tía, lá ngải cứu, lá náng hoa trắng. Dùng 2 - 3 thứ lá trên, mỗi thứ 1 nắm tay, rửa sạch, giã nát trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp vào chỗ chấn thương. Khi nào khô lại thay miếng khác. Nên dùng 3 vị phối hợp với nhau sẽ tốt hơn chỉ dùng độc vị.
Cây lá náng dùng để đắp ngoài, có tác dụng chữa bong gân rất hiệu quả.
Thuốc uống trong: dùng một trong các bài:
Bài 1: nghệ vàng 2 củ, thái mỏng sao rượu, cỏ xước 12g thái mỏng sao rượu, vỏ cây gạo 16g bỏ vỏ ngoài, thái mỏng sao rượu, cây lá lốt 16g sao vàng. Tất cả cho vào nồi, đổ nước 3 bát sắc còn 1 bát chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 2: tua rễ si 50g (không có tua thì dùng cành si 60g, chặt từng khúc 3cm, sao vàng), sắc đặc lấy 1 bát, pha thêm tí rượu trắng, cho bệnh nhân uống trong ngày.
Trật khớp: dùng tam thất thảo, giã nát thêm một lượng vừa phải bột mỳ khuấy thành hồ, đắp vào chỗ bị trẹo trật khớp. Mỗi ngày thay 1 lần, làm trong 3 ngày liền.
Trong thời gian điều trị, cần kết hợp xoa bóp và ăn các món cháo, canh thuốc sau:
Xoa bóp: chủ yếu xoa bóp huyệt giải khê, khâu khư, chiếu hải và thái khê nơi cổ chân đau. Huyệt giải khê nằm giữa đường lằn ngang phía trước khớp cổ chân, giữa hai khối gân cơ của ngón chân. Huyệt khâu khư ở chỗ lõm tự nhiên trước mắt cá ngoài. Huyệt chiếu hải nằm ở dưới mắt cá trong 1 tấc. Huyệt thái khê nằm ở lõm giữa mắt cá trong và gân gót chân, vị trí đầu mắt cá trong.
Cây thầu dầu tía.
Phương pháp xoa bóp: ngồi bệt xuống sàn, chân không bị bệnh co gối lại để ngang dưới đùi chân kia. Cẳng chân bị bệnh chống lên, ngón cái của tay cùng phía ấn miết lên huyệt rồi thả tay ra, làm liên tục mỗi huyệt 14 lần. Cuối cùng nắm xoay khớp cổ chân theo chiều kim đồng hồ 36 lần rồi xoay ngược chiều kim đồng hồ 36 lần. Hai tay xoa vào nhau cho nóng ấm rồi xoa bóp lên khớp cổ chân bị bệnh. Làm liên tục trong 3 phút.
Chú ý: khi sai khớp không được dùng nước ấm ngâm chân mà phải sau 24 giờ mới có thể ngâm nước ấm kết hợp với xoa bóp để kích thích tuần hoàn máu.
Món ăn hỗ trợ khi bị bong gân:
Bài 1: Cháo thịt cua: cua 2 con, gạo 50g. Trước hết lấy thịt cua và gạch cua để sẵn. Gạo vo sạch đổ vào nồi, thêm nước nấu cháo, cháo chín cho thịt cua, gạch cua cùng với gừng sống, dấm, xì dầu đun sôi lên là được. Ăn trong bữa cơm. Công hiệu: nuôi dưỡng khí huyết, liền xương tiếp gân, chữa trật khớp sưng đau.
Bài 2: Canh xương sống lợn, đan sâm: xương sống lợn 500g, đậu tương 250g, đan sâm tím 50g. Đan sâm rửa sạch bỏ tạp chất cho vào nồi, đổ nước vừa đủ luộc đan sâm trong 1 giờ, dùng nước này để nấu xương lợn, đậu tương tới chín nhừ, cho một ít quế bì, gia vị, thấy nước sôi là được. Chia 2 - 3 lần trong ngày. Công hiệu: bổ xương sinh tủy hoạt huyết giảm đau, chữa cổ chân trẹo trật khớp sưng đau.
Bài 3: Gà ác nấu tam thất: gà trống xương đen 1 con 500g, tam thất 5g, hoàng tinh, muối vừa đủ. Giết gà mổ bỏ lòng ruột, rửa sạch; tam thất cho vào nồi, cho rượu muối rồi ninh nhừ. Ăn kèm trong bữa cơm. Công hiệu: bổ hư cứng gân nối xương, chưa gãy xương, cổ chân trật khớp sưng đau nhức.
Lương y Nguyễn Minh/Theo Suckhoedoisong.vn