Việc ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng có sự xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo
Tiếp tục chương trình làm việc, vừa qua dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 76 Điều đã quy định việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển từ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo, bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã quy định khá rõ trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp.
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, quản lý tổng hợp và thống nhất hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với đặc thù của biển; trách nhiệm quản lý, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đồng thời, việc ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng có sự xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải tạo ra bước đột phá về cơ chế quản lý, điều phối các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển, khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là sự chồng chéo hoặc thiếu sự điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hiện nay.
Làm rõ phạm vi để tránh chồng chéo
Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cơ bản đã xác định được ranh giới giữa Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tập trung quy định các công cụ, phương pháp, cơ chế điều phối, phối hợp trong hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, với mối quan hệ đan xen trong hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cần tiếp tục rà soát kỹ những nội dung của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn trong Luật này các quy định mang tính nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 để thuận lợi cho việc áp dụng trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ một số khái niệm trong dự thảo Luật, như vùng bờ để thống nhất với hệ thống luật, trong đó có Luật biên giới quốc gia, đồng thời đảm bảo tính khả thi.
Ông Nguyễn Kim Khoa cũng nhấn mạnh đây là luật rất quan trọng, quản lý tổng hợp nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền và đảm bảo an ninh trật tự trên biển. Do đó, cần rà soát kỹ thêm để chỉnh lý dự thảo luật.
Giải trình về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển đồng tình ý kiến cho rằng khái niệm quản lý tổng hợp là rất rộng. Ban soạn thảo đưa ra vì quản lý biển phải thực hiện theo phương thức quản lý tổng hợp và luật không thể đề cập toàn diện. Luật này không thay thế luật chuyên ngành.
Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết thêm, về phạm vi điều chỉnh, nếu nhìn tổng thể là có trùng nhau giữa các luật liên quan. Tuy nhiên vấn đề mục tiêu, đối tượng quy định khác nhau. Luật này chỉ quy định công cụ, cơ chế định hướng chung về quản lý, khai thác tài nguyên trên biển để điều phối.
Cần quy định cụ thể, khoa học hơn
Về quy định “Vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển”, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và MT cho biết nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định này, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, khoa học hơn.
Có ý kiến đề nghị quy định “Vùng biển ven bờ ” cần thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, cụ thể như tại Khoản 4 Điều 5 Luật thủy sản đã quy định “Chính phủ xác định ranh giới vùng biển ven bờ trên cơ sở căn cứ vào độ sâu, khoảng cách từ bờ biển và một số đặc điểm khác ở vùng biển ven bờ để phân cấp cho địa phương có bờ biển tổ chức quản lý tổng hợp vùng biển ven bờ gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh”. Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức và cá nhân Việt Nam trên các vùng biển quy định “Vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ”, trong đó tuyến bờ là các đoạn thẳng gấp khúc nối liền các điểm được xác định bởi kinh độ và vĩ độ cụ thể.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết quy định trên chỉ là ranh giới để quản lý tổng hợp. Vì vùng bờ diễn ra rất nhiều hoạt động xung đột, tranh chấp lẫn nhau nên đưa việc đưa vào quy định nhằm điều hòa lợi ích của các ngành, đối tượng có hoạt động khai thác tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường. Nhiều ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể về quy định hành lang bảo vệ bờ biển.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng Dự thảo Luật quy định về quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ thêm mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với Quy hoạch phát triển kinh tế biển (theo quy định tại Điều 44 Luật biển Việt Nam); Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ moi trường biển và hải đảo; Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; trách nhiệm của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành trong việc thực hiện quy hoạch này với quy hoạch thuộc lĩnh vực chuyên ngành để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là luật phức tạp, khó nên cần nghiên cứu kỹ để quy định cụ thể, đảm bảo thống nhất trong hệ thống luật, không thể cứ chung chung để tránh tình trạng ”luật không nói rõ điều kiện là tôi cứ làm, không cấm là tôi cứ ra”.
Cho rằng Luật chưa quy định rõ đối tượng như quy hoạch, cấp phép thì ai làm, làm thế nào, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra cùng với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo luật để trình Quốc hội./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN