Không ai có thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành. Nó là sản phẩm tốt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là người đứng tuổi và trẻ nhỏ.
Sữa đậu nành được làm từ đậu nành nguyên hạt. Không ai có thể phủ nhận giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành. Nó là sản phẩm tốt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là người đứng tuổi và trẻ nhỏ. Sữa đậu nành bổ sung vitamin cho trẻ đang bú, trẻ được nuôi đặc biệt như bị dị ứng với sữa bò. Sữa đậu nành chứa chủ yếu 3 nhóm chất: bột đường, béo và đạm.
- Chất bột đường, carbohydrate, bao gồm tinh bột và các loại đường như đường đôi sucroz, đường ba raffinoz, đường bốn stachyoz. Các loại đường này khi thủy phân cho glucoz, fructoz, galactoz, rhamnoz, arabinoz là những đường rất dễ tiêu hóa.
- Chất béo, trong đó axít béo không no chiếm đa số, gồm: axít oleic, axít linoleic, axít linolenic. Các nhà dinh dưỡng học lấy axít linoleic làm chuẩn để phân loại chất béo có hoạt tính sinh học cao, theo đó, sữa đậu nành chiếm ưu hạng.
- Chất đạm: Thủy phân đậu nành thu được 19 amino acid trong số 22 amino acid thường thấy trong thực phẩm, trong đó có đủ 8 amino acid thiết yếu (động vật và người không tổng hợp được trong cơ thể, phải nhờ nguồn thức ăn đưa vào). Tuy hàm lượng tryptophan, methionin thấp nhưng hàm lượng lysin cao nhất trong các loại hạt.
Trong quá trình chế biến, các chất bột đường, béo, đạm hoặc tan vào dung dịch sữa hoặc tạo thành nhũ tương dưới dạng những hạt rất nhỏ để được cơ thể dung nạp. Tuy nhiên, dịch sữa đó cũng hàm chứa những hợp chất hữu cơ tuy rất nhỏ nhưng lại tạo ra mùi khó ưa và hơi đắng. Để giảm thiểu những mùi vị này, người chế biến thường nấu với lá dứa cho có mùi thơm.
Estrogen làm ngực, mông phát triển ở tuổi dậy thì với da dẻ mịn màng… Ở tuổi mãn kinh, cơ thể phụ nữ mất cân bằng do sự sụt giảm nghiêm trọng nội tiết tố nữ estrogen. Lúc này, niêm mạc âm đạo mỏng, việc bài tiết chất nhờn ở âm đạo giảm. Sự mãn kinh còn kéo theo bệnh loãng xương do estrogen giảm.
Liệu pháp estrogen bổ sung được sử dụng để hạn chế những tác động tiêu cực khi mãn kinh nhưng cách này có nhiều chống chỉ định. Do đó người ta chọn phytoestrogen (estrogen thực vật) để thay thế. Phytoestrogen có trong thức ăn thực vật như bắp cải, lạc, mè và nhiều nhất ở hạt đậu nành. Những phụ nữ hay ăn các sản phẩm từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ, chao) ít bị các triệu chứng khó chịu của giai đoạn mãn kinh và nếu có thì cũng rất nhẹ. Ngoài tác dụng chống loãng xương, đậu nành còn giúp phòng ngừa tiểu đường, giảm nguy cơ bệnh tim và phòng chống ung thư.
Theo Suckhoedoisong.vn