Cập nhật: 12/10/2014 09:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cách đây 10 năm khi nói đến vitamin B9 hay còn gọi là folic acid người ta chỉ biết nó cần bổ sung cho phụ nữ mang thai...

Cách đây 10 năm khi nói đến vitamin B9 hay còn gọi là folic acid người ta chỉ biết nó cần bổ sung cho phụ nữ mang thai, người bệnh đang dùng các loại thuốc kháng folic acid, điều trị chứng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Ngày nay, nhờ sự tìm tòi tích cực của các nhà khoa học đã phát hiện nhiều tác dụng quý của folic acid cho sức khỏe con người từ lúc là mầm sống đến tuổi già.

Vitamin B9 còn gọi là vitamin Bc, vitamin L1, vitamin M, acid folic, folacin hay folate. Tên hóa học: Pteroyl monoglutamic acid.

Năm 1941, các nhà khoa học phát hiện trong lá của rau Bina (spinach) có acid folic. Ngày nay, vitamin B9 ở mỗi nước có một cách quản lý khác nhau. Ở Việt Nam được coi là thuốc. Có các dạng thuốc: uống (viên nén, viên nang, dung dịch) với hàm lượng 0,4; 0,8; 1; 5mg. Hoặc phối hợp với sắt (Fe); phối hợp với các vitamin khác nhau. Thuốc tiêm dưới dạng muối của acid folic 5mg/ml để tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da (thuốc tiêm phải bán theo đơn). Ở Mỹ, viamin B9 được coi là thực phẩm chức năng.

 

Những thực phẩm giàu folic acid.

Vai trò của acid folic

Folic acid là vitamin thuộc nhóm B, là coenzym của nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể, rất cần để sản xuất tế bào mới, trong đó có hồng cầu, bạch cầu; nó đặc biệt quan trọng ở giai đoạn phân chia và lớn nhanh của tế bào trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Đóng vai trò quan trọng với sự hình thành, phục hồi và tổng hợp nên AND, cần thiết trong việc nhân đôi AND và tránh đột biến AND. Cần cho nam trong độ tuổi sinh đẻ tạo tinh trùng, tăng số lượng và chất lượng tinh trùng.

Folic acid làm giảm lượng homocystein, chất tạo điều kiện cho vữa xơ mạch vành phát triển nên rất cần thiết cho người bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

Folic acid tham gia vào quá trình tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, adrenalin, noradrenalin... giúp cho thần kinh hoạt động tốt; chống các bệnh như phản ứng chậm chạp, rối loạn thái độ, tự kỷ.

Folic acid kết hợp với vitamin B12 giúp sản sinh tế bào máu chống bệnh thiếu máu. Folic acid là chất xúc tác cho nhiều loại dược phẩm, giảm tác dụng phụ có hại cho cơ thể, rất cần cho những người thường xuyên phải dùng thuốc hoặc phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị nhiều bệnh cùng lúc (thuốc giảm đau, chống co thắt, hạ huyết áp, hạ đường huyết, hạ cholesterol máu, kháng sinh, kháng lao, trợ tim, an thần, nhuận gan, chống động kinh, chống sốt rét...).

Nhu cầu folic acid hàng ngày của cơ thể

Trẻ còn bú: 50mcg, từ 1 đến 3 tuổi: 100mcg, từ 4 đến 12 tuổi: 200mcg, từ 13 tuổi đến người lớn 300mcg, phụ nữ có thai hoặc cho con bú 500mcg (giới hạn an toàn 800mcg).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ và Hà Lan: Hàng ngày uống 800mcg folic acid sẽ giúp cho người già tăng khả năng nhận thức, duy trì thính lực, tiến bộ về trí nhớ và tổng hợp tin tức.

Quỹ Chăm sóc người cao tuổi Mỹ (CLF) khuyến cáo, người cao tuổi nên bổ sung hàng ngày 400mcg folic acid.

Nguồn cung cấp

Folic acid có trong thức ăn thiên nhiên như: các loại rau xanh tươi sống, nấm, đậu, củ, quả, ngũ cốc, thịt và phủ tạng động vật... Folic aicd cao nhất là gan bò, gan gà: 590mcg, sau đến hạt đậu đũa 430mcg, hạt đậu tương 210mcg, quả ổi chín 170mcg, rau mồng tơi 134mcg, hạt lạc 124mcg, rau đay 123mcg, rau muống 122mcg...

Folic acid không bền với nhiệt, không khí, ánh sáng, chất kiềm. Các loại rau tươi không nên ngâm lâu dưới nước, không nấu chín nhừ (thực phẩm đóng hộp mất từ 50 - 90% acid folic).

Vì vậy, người nội trợ cần biết những thức ăn dễ kiếm, rẻ tiền này để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày là đã đảm bảo nhu cầu folic acid mà không cần mua thực phẩm chức năng nhập ngoại đắt tiền.

Vi khuẩn đường ruột có khả năng tổng hợp một lượng folic acid để đáp ứng nhu cầu cơ thể khi thức ăn không đủ cung cấp (tuy vậy, một số người lại ít có khả năng này do di truyền hoặc do cơ thể yếu).

Trong các loại thức ăn kể trên, folic acid tồn tại dưới dạng poly glutamat, khi vào cơ thể được men carboxypeptidase thủy phân rồi bị khử nhờ DHF reductase ở niêm mạc ruột và methyl hóa tạo MDHF, chất này được hấp thụ vào máu, sau đó được phân bố vào các mô trong cơ thể, được tập trung trong dịch não tủy và dự trữ ở gan.

Folic acid trong dược phẩm được giải phóng nhanh ở dạ dày và hấp thu ở đoạn đầu ruột non, được tích trữ chủ yếu ở gan và dịch não tủy.

Tương tác thuốc: cotrimoxazol làm giảm tác dụng điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của folic acid, thuốc tránh thai uống làm giảm chuyển hóa của folic acid, thuốc chống co giật: nếu uống cùng lúc với folic acid thì nồng độ thuốc chống co giật bị giảm; sulphasalazin: làm giảm hấp thu folic acid.

Tránh dùng cùng lúc với: trà, cà phê, rượu sẽ giảm khả năng hấp thu folic acid.

Folic acid được chỉ định điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và phòng các trường hợp thiếu folic acid.

Folic acid không dùng trong trường hợp mắc bệnh ung thư máu, thiếu máu tán huyết, đa hồng cầu.

DS. Trần Xuân Thuyết/Theo Suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm