Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.493 người.
Các nhân viên y tế Sierra Leone chuẩn bị chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola (Ảnh AP)
Đại dịch Ebola cướp đi sinh mạng của gần 4.500 người hiện được xem là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây đã gia tăng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh vượt ra khỏi biên giới Tây Phi sau Mỹ xác nhận nhân viên y tá thứ 2 nhiễm bệnh tại nước này.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (15/10) hối thúc tất cả các nước thành viên “thúc đẩy và mở rộng tối đa những hỗ trợ tài chính và trang thiết bị” cho các nước chịu tác động của dịch Ebola, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng ra toàn thế giới. Theo Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, những cơ sở hạ tầng y tế thô sơ không thể đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Việc nhân viên y tế thứ 2 nhiễm Ebola tại một bệnh viện ở bang Texas (Mỹ) sau khi chăm sóc một bệnh nhân tử vong trước đó do dịch bệnh đã làm dấy lên lo ngại cho rằng, các Cơ quan y tế tại Mỹ đã không triển khai mọi biện pháp cần thiết nhằm đề phòng rủi ro.
Cơ quan y tế Mỹ hôm qua (15/10) thừa nhận, trường hợp nhân viên y tế thứ 2 nhiễm virus Ebola tại nước này là rất đáng lo ngại và nước Mỹ đã sẵn sàng cho khả năng xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới trong những ngày tới. Bởi nhân viên này đã đi du lịch trong nước bằng máy bay một ngày trước khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã yêu cầu 132 người trên chuyến bay mang số hiệu 1143 của hãng hàng không Biên giới (Frontier Airlien) từ Cleveland tới Dalas ngày 13/10 liên hệ ngay với cơ quan này, đồng thời khuyến cáo những người có khả năng nhiễm bệnh hạn chế đi lại và không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan y tế Mỹ, khả năng lây nhiễm là cực kỳ thấp, do nhân viên y tế này khi đó không có các triệu chứng của bệnh như sốt, nôn mửa hay tiêu chảy.
Tại cuộc họp báo được tổ chức hôm qua (15/10) tại thủ đô Washington, Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest đã kêu gọi người dân tin tưởng vào những biện pháp ứng phó của chính phủ, đồng thời cho biết Tổng thống Mỹ Obama đã triệu tập một cuộc họp khẩn về đại dịch Ebola và họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh.
Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest nói: “Người dân cần tiếp tục tin tưởng vào các biện pháp ứng phó của chính phủ. Lý do đơn giản là chúng ta có cơ sở hạ tầng y tế hiện đại, nơi mà sự lây nhiễm của dịch bệnh là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, trong lúc này mọi người có thể yên tâm bởi tất cả chúng ta đều biết rằng, virus Ebola không lây truyền qua không khí, qua thức ăn hay đồ uống, mà chỉ lây truyền qua tiếp xúc gần với các dịch tiết của người bệnh.”
Tại Pháp, Tổng thống Pháp Hollande hôm qua 15/10) thông báo triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với các chuyến bay đến từ vùng dịch. Theo phủ Tổng thống Pháp, tại cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ và châu Âu đã khẳng định tình đoàn kết với những nước chịu ảnh hưởng và kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế và Liên minh châu Âu, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới và các nước liên quan.
Bộ trưởng Y tế 28 nước thành viên Liên minh châu Âu hôm nay (16/10) sẽ nhóm họp tại Bỉ để trấn an người dân châu Âu, sau khi Tây Ban Nha xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại châu lục này và cũng là trường hợp đầu tiên ngoài châu Phi.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.493 người trên tổng số 8.997 ca nhiễm bệnh tại 7 nước, gồm Nigeria, Tây Ban Nha và Mỹ.../.
Theo Thu Hoài/VOV.VN