Cập nhật: 22/10/2014 08:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các khu vực đã được thành lập mạng lưới bảo tồn gồm Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.

 

Một bãi san hô tại Phú Quốc. Ảnh: VGP/Công Việt

Kết quả trên được công bố tại hội nghị đánh giá công tác quy hoạch và thành lập khu bảo tồn biển tại Việt Nam, đề xuất kế hoạch giai đoạn 2015-2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam ra đời muộn hơn so với các khu bảo tồn trên cạn. Tuy nhiên, các khu bảo tồn biển Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Đồng thời, hệ thống này sẽ góp thêm cơ sở pháp lý bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng biển Đông mà các nước trong khu vực.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện hệ thống cơ chế, chính sách cho bảo tồn biển về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ như: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam...

Tuy nhiên, các khu bảo tồn biển thường gắn liền với những khu vực cộng đồng ngư dân nghèo. Ở đây người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lợi tự nhiên khai thác từ các khu bảo tồn.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho họ chưa có nên đã gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Hơn nữa, công tác bảo tồn tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức mà chủ yếu tập trung ưu tiên cho phát triển kinh tế.

Theo ông Donald Macintosh, Cố vấn cao cấp Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), bảo tồn biển không chỉ bảo tồn về đa dạng sinh học, còn bảo tồn về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Do đó, sự hỗ trợ của Chương trình tiếp tục chuyển từ trọng tâm bảo tồn biển sang hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức cho người dân ở địa phương. Trong thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bảo vệ rừng ngập mặn và các khu bảo tồn biển.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong thời gian tới cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn biển, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Trong đó đặc biệt chú ý tới những ngư dân sống chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lợi tự nhiên từ các khu bảo tồn biển.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cần mở rộng và tăng cường hợp tác với các tổ chức, quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tồn biển để tìm kiếm sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính cho công tác bảo tồn biển.

Đỗ Hương

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm